Ngày 7/3, theo ông Nguyễn Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu năm đến nay, địa phương đã thực hiện tiêu huỷ 63 con bò bị bệnh chết có triệu chứng của bệnh viêm da nổi cục.
Bệnh viêm da nổi cục là bệnh truyền nhiễm trên trâu, bò. Đường truyền lây nhiễm chủ yếu qua côn trùng đốt. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng ăn, uống và qua tiếp xúc trực tiếp.
Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh. Bệnh nặng sẽ gây lở loét, nhiễm trùng.
Khi mắc bệnh sẽ làm cho trâu, bò giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng. Nếu không được chăm sóc, chữa trị kịp thời, trâu bò có thể chết, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.
Theo ông Trung, đơn vị ghi nhận dịch bệnh đang xảy ra tại 411 cơ sở chăn nuôi nông hộ tại 85 thôn thuộc 28 xã ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, thị xã Đức Phổ và Tp.Quảng Ngãi có 442 con bê mắc bệnh viêm da nổi cục làm chết 63 con.
Các địa phương này trước đó có bệnh, các ổ dịch cũ, mầm bệnh có sẵn trong đàn, khi bê sinh ra chưa được tiêm phòng nên bị nhiễm bệnh.
Đến nay, Sở đã thực hiện tiêu độc, khử trùng môi trường, tiêu diệt côn trùng hút máu, Ngoài ra huyện Bình Sơn đã huy động người dân mua gần 1.400 liều, huyện Mộ Đức mua gần 2.600 liều vắc-xin để tiêm phòng cho bê mới sinh chưa được tiêm phòng, đồng thời hướng dẫn cho người dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.
Sở cũng chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện một số biện pháp phòng, chống dịch viêm da nổi cục.
Trong đó, tập trung thực hiện một số biện pháp xử lý ổ dịch như tiêm phòng vắc xin, khoanh vùng, cách ly điều trị, nuôi nhốt, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, đặc biệt là ruồi hút máu, nguyên nhân chính là dịch lây lan; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, xử lý gọn ổ dịch còn trong diện hẹp; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh.
Đồng thời, các phòng chuyên môn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp được yêu cầu phối hợp UBND các xã, phường, thị trấn rà soát trâu, bò chưa bị bệnh năm 2021 nhưng chưa được tiêm phòng trong năm 2021 hoặc đã được tiêm phòng nhưng qua 12 tháng và số bê nghé mới sinh huy động nguồn kinh phí từ người dân để triển khai tiêm phòng vắc-xin.