Băm nát “bùa hộ mệnh”
Có mặt tại vùng bờ biển thuộc thôn 4, xã Đức Chánh, PV tận mắt chứng kiến cảnh tan hoang khi cây cối bị đốn ngã nằm la liệt trên cát. Những cây phi lao hàng chục năm tuổi, thân dài 7-8m, đường kính 25 -30cm nằm chất đống, chờ được chuyển đi nơi khác.
Thấy PV đến quay phim, chụp hình, những thợ cưa không ai bảo ai tự động ngừng tay. Sau một cuộc điện thoại “báo cáo” cho ai đó, nhóm người trên rời khỏi hiện trường. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau khi chúng tôi rời đi, tiếng cưa máy lại vang lên ầm ĩ cả một góc rừng.
Người dân địa phương cho biết, đây là khu rừng phòng hộ ven biển, có tuổi đời 30 - 40 năm, tạo thành một vành đai chắn sóng, giữ cát và là tấm “bùa hộ mệnh” cho các khu dân cư ven biển từ hàng chục năm qua.
Trao đổi với PV, ông Đ.V.M. (59 tuổi, ngụ thôn 4, xã Đức Chánh) cho biết: “Lúc trước, chúng tôi vào đây kiếm củi cũng bị cấm. Chỉ cần chặt một cây phi lao (cây dương-PV) thôi cũng bị xã gọi lên nhắc nhở. Có người bị phạt hành chính vì tội phá rừng”.
Trong khi đó, bà N.T.H., một người dân sinh sống tại xã Đức Chánh tỏ ra luyến tiếc, lo lắng: “Từ lâu, những cánh rừng này đã trở thành một “vành đai” chắc chắn, che chở cho làng mạc khi các cơn bão quét qua. Tấm “bùa hộ mệnh” mất đi, không biết bão ập vào chúng tôi sẽ đối phó như thế nào đây”.
Ông Trần Văn Hai (67 tuổi, trú xã Đức Chánh) cũng bức xúc: “Xã tự động cấp phép chứ nếu tổ chức họp dân chắc chắn chúng tôi sẽ phản đối. Chặt bỏ thì chỉ cần 1 - 2 ngày là xong nhưng trồng được cả cánh rừng này phải mất vài chục năm, đâu dễ dàng gì”.
Chủ trương của huyện
Mặc dù người dân bức xúc nhưng ông Đoàn Văn Bảy, Bí thư Đảng ủy xã Đức Chánh lại thông tin: “Chính quyền địa phương đã tiến hành họp dân. Khi người dân đồng tình, HĐND xã mới ban hành Nghị quyết. Các bước đều theo đúng trình tự”.
Để tìm hiểu thông tin, chúng tôi đề nghị được xem biên bản làm việc giữa chính quyền và người dân thôn 4 cũng như quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh Quảng Ngãi... Tuy nhiên, ông Bảy giải thích, người được giao phụ trách và cán bộ văn thư xã hiện đã đi học, tập huấn nên hẹn dịp khác sẽ cung cấp.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Vũ Nhân, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức. Ông Nhân khẳng định: “Một đơn vị có dự án trồng rau sạch đã xin 17ha đất, nhưng trước mắt huyện Mộ Đức chỉ đồng ý cấp 5ha để thí nghiệm đầu tư. Nếu có hiệu quả, huyện sẽ cấp 12ha còn lại.
Diện tích rừng dương khai thác phục vụ dự án không nằm trong rừng phòng hộ ven biển, cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt và cho phép. Việc làm này đi đúng hướng quy hoạch của chính quyền địa phương”.
Thắc mắc của người dân về việc chính quyền địa phương không lắng nghe và lấy ý kiến người dân, ông Nhân cho biết: “Đây là chủ trương của huyện, diện tích rừng dương do chính quyền quản lý nên không phải họp và lấy ý kiến của người dân”.
Theo tìm hiểu của PV, vào năm 2000, 12ha rừng phòng hộ ở xã Đức Chánh đã được chuyển sang rừng sản xuất. Sau đó, chính quyền khai thác, giải phóng mặt bằng nhằm phục vụ dự án nuôi tôm. Tuy nhiên, sau gần 20 năm triển khai, dự án này gần như thất bại toàn diện. Vậy nên, người dân quan ngại dự án lần này sẽ đi theo vết xe đổ trước đó.