Quảng Ngãi: Đời 'má hồng' đi biển

Quảng Ngãi: Đời 'má hồng' đi biển

Chủ nhật, 10/11/2013 13:48

Gần 40 năm lênh đênh trên biển, đôi bàn tay kéo lưới chi chít vết trầy xước, còn làn da thì đen sạm đi vì gió cát. Nhưng bà vẫn mải miết ra khơi, dù tuổi đời nay cũng đã ngót sáu mươi....

Miền trung - Quảng Ngãi: Đời 'má hồng' đi biển

Bà Thành vác mái chèo hăm hở trở về sau một chuyến đi biển.

Đó là bà Huỳnh Thị Thành (thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, Bình Sơn). Khát khao đi biển, nên khi mới 16 tuổi, bà Thành đã theo cha đi ghe đánh bắt gần bờ. Ngày ấy, ở xứ vạn chài, người ta kị nhất là để con gái leo lên tàu đi biển. Nhưng trước thái độ khăng khăng đòi cho bằng được của con gái, cha bà đành gật đầu ưng thuận. Ngỡ chỉ theo cha vài chuyến biển cho vui, không ngờ Thành mới đi vài chuyến đã thành thục thả lưới, kéo cá. Rồi nghiệp biển gắn luôn với cuộc đời bà từ ngày đó.

Năm 1974, mới 19 tuổi thì chồng mất, khó khăn cùng quẫn, bà Thành thử đủ nghề, từ làm nước mắm đến buôn bán để nuôi con. Nhưng vì không quen với cảnh buôn thúng bán bưng nên bà lại quay về với biển. Ngày quyết định ra khơi, đứa con trai Ngô Công Sách mới vừa tròn 5 tháng tuổi. Sợ con khát sữa quấy khóc, bà đành gạt nước mắt nấu nước cơm pha muối gửi ở nhà cho con dằn bụng rồi lẳng lặng ra khơi.

Đã thành lệ, bắt đầu từ 3 giờ sáng, bà ra khơi, kéo xong 10 tấm lưới thì về. Sáng đi thúng, chiều vá lưới, làm luôn tay luôn chân, quanh năm suốt tháng, chẳng bao giờ bà có giây phút thảnh thơi, nhàn rỗi. Chìa đôi tay toàn những nốt chai sần và trầy xước, bà Thành tâm sự: “Kéo xong 10 tấm lưới là tay tôi đỏ ửng hết. Nhưng vẫn không cực bằng gỡ ghẹ. Lần nào gỡ, tôi cũng bị chảy máu hết 10 ngón tay. Người ta đi một loại lưới, còn tui, tui đi cả 2 loại: lưới cá và lưới ghẹ. Tại người ta có vợ có chồng, còn mình chỉ một thân một mình nên ráng làm để nuôi con”.

Nhọc nhằn “đời” thúng

Đi thúng, bà Thành sợ nhất là lúc trời trở gió. Bởi dầu sao, bà cũng chỉ là phận nữ nhi, sức không dai, vai chẳng rộng. Nhiều lúc gặp sóng to, gió mạnh, chiếc thúng cứ quay mòng mòng giữa biển cả mênh mông. Có lần, đang dẫn thúng về gần đến bãi trước, thì cả người và thúng đều bị sóng đánh chìm. May sao, những người neo thúng gần đó nghe được tiếng kêu cứu vội chạy ra đưa bà vào bờ.    

38 năm bám biển là ngần ấy thời gian bà Thành phải trải qua không biết bao phen “chìm, nổi”. “Bữa tui với 3 thúng nữa đi vô tới cửa biển rồi mà vẫn bị sóng đánh. 3 người kia là đàn ông, cậy sức khỏe nên cứ ra sức chèo, vậy là úp luôn cả 3 thúng. May mà gần bờ! Còn tui, tui cất mái chèo rồi nằm im re trên thúng, phó mặc gió thổi. Đến khi người và thúng bị trôi ra xa tận mấy cây số, gió mới chịu ngừng” –  bà Thành kể lại.

Suýt “nằm” lại biển mấy lần, ấy thế mà bà Thành chẳng hề biết sợ. Mới lật thúng ngày hôm trước, hôm sau người dân làng chài Sơn Trà lại thấy bà vác lưới ra biển như thường. Nhiều hôm đi biển về, bà mệt lử chẳng thiết tha ăn uống, nhưng rồi nhìn đứa con út bị nhiễm chất độc da cam cứ ngây dại như một đứa trẻ, bà lại mím môi gượng dậy để tiếp tục chặng đường mưu sinh.

38 năm chèo thúng, đã có tới 5 chiếc thúng “qua tay” bà. Chiếc thúng nào “mỏi” thì thay thúng mới. Còn bà, dù đã lắm lúc mỏi, cũng muốn tìm một cái nghề trên bờ cho thảnh thơi, nhưng rồi “nghiệp” biển như đã thấm vào trong máu. “Gỡ con cá, con ghẹ tuy nhọc nhưng lại thấy ham, nên cứ muốn đi hoài, đi mãi...”, đôi mắt bà sáng lên, giọng vui hẳn…

Theo An ninh Thủ đô

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.