> Thi ảnh Việt Nam Xanh, rinh ngay 100 triệu đồng
Còng lưng cõng nước sạch
Hơn 3.500 khẩu ở thôn Tư Cung (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh) đang lao đao vì thiếu nước sinh hoạt. Lâu nay, người dân vẫn dùng nước giếng cho sinh hoạt hàng ngày, nhưng nguồn nước nơi đây đã bị nhiễm phèn, nhiễm sắt nặng. Dù đào giếng sâu hàng chục mét, nước vẫn nhiễm phèn, nước vàng quánh như nghệ. Ngay cả khi đun sôi, dưới đáy ấm vẫn lắng lại một lớp cặn màu đỏ quánh, quần áo giặt xong đều ngả màu.
Tương tự, tại khu dân cư Khê Hòa (thôn Tư Cung), bà con cũng đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ông Trương Thành Vũ, Trưởng thôn Tư Cung cho biết: “Hầu như tất cả các giếng nước trong thôn đều bị nhiễm phèn nên người dân không dám dùng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe. Toàn khu dân cư có 126 hộ thì chỉ có khoảng 30% số hộ khoan được nước giếng, số còn lại phải đi mua nước từ nơi khác về. Nhất là từ tháng 3 - 5 hằng năm, ruộng khô thì giếng cũng khô, đến nước phèn cũng không có, cuộc sống của bà con hết sức khó khăn!”.
Nhiều năm nay, cứ đến mùa nắng là người dân ở thôn Kỳ Thọ Nam 1, xã Hành Đức (Nghĩa Hành) lại phải xách can nhựa đi khắp nơi xin nước. Một người dân trong thôn than thở: “Tháng trước, giếng nhà tôi còn chút nước, nhưng mấy tuần nay thì trơ đáy. Thiếu nước nên chúng tôi không thể phát triển chăn nuôi, trồng trọt, do vậy mà cái nghèo vẫn đeo bám. Chúng tôi kiến nghị nhiều lần với xã, huyện, song đến nay vẫn chưa có giải pháp khả thi. Một số đơn vị đã về khảo sát, khoan giếng tìm nước nhưng chúng tôi chỉ nhận được cái lắc đầu, vì trong vùng không có nguồn nước!”.
Sống chung với khô hạn!
Để cải thiện chất lượng nước, nhiều hộ dân đã bỏ tiền đầu tư xây dựng bể lọc. Mỗi công trình tốn ngót chục triệu đồng, nhưng nước cũng chỉ dùng để giặt quần áo, tắm rửa chứ không thể nấu ăn vì vẫn còn mùi tanh nồng, thế nên bà con đành tập cách “sống chung với khô hạn”. Nhiều nhà có con nhỏ phải chi tiền mua bình nước lọc về dùng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ. “Bình quân 2 ngày, gia đình tôi chi 30.000 - 40.000 đồng để mua bình nước lọc về uống và nấu ăn, tính ra hết tới hơn 500.000 đồng/tháng, trong khi nhà chỉ làm nông nghiệp, thu nhập thấp!”, một người dân thôn Tư Cung chia sẻ.
Điều đáng lo ngại là, vì thiếu nước nên nhiều diện tích đất sản xuất trên địa bàn đang bị hoang hoá, cây trồng khô héo, nhất là nắng nóng liên tiếp trong những ngày qua đã làm nhiều diện tích lúa mới gieo sạ ở xã Hành Đức (Nghĩa Hành) chết khô. Một số hộ đã chuyển sang trồng các loại cây chịu hạn như mè, đậu đỏ..., nhưng năng suất đạt thấp.
Tại huyện Tư Nghĩa, tuyến kênh liên xã N16-16 có chiều dài trên 2km, đi qua 2 xã Nghĩa Hiệp và Nghĩa Thương được hoàn thành từ năm 1997 để phục vụ nước tưới cho trên 150ha đất nông nghiệp. Thế nhưng 16 năm qua, kênh vẫn không dẫn được nước để tưới cho đồng ruộng. Ông Nguyễn Lập, phó giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Quảng Ngãi cho biết: Kênh N16-16 do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 6 xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao cho Công ty. Nhiều lần Công ty cũng đã nghe cử tri kiến nghị về vấn đề này, nhưng để thi công lại kênh N16-16 phải cần nguồn vốn lớn, trong khi đó, kinh phí đầu tư, sửa chữa các công trình thủy lợi hằng năm còn thấp nên chưa thực hiện được.
Trao đổi với phóng viên, ông Lư Văn Tin, phó chủ tịch UBND xã Tịnh Khê (Sơn Tịnh) cho biết: “Hiện, chính quyền địa phương đang khảo sát nguồn nước và lập hồ sơ để đầu tư xây dựng công trình nước sạch trị giá khoảng 5 tỷ đồng nhằm giải quyết vấn đề “khát” nước sạch cho người dân thôn Tư Cung, trong đó Chương trình mục tiêu Quốc gia về nước sạch hỗ trợ 90% vốn, người dân đóng góp 10%”.
Còn theo ông Lê Quang Tịnh, phó chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành, huyện đã lập phương án xây dựng hồ chứa nước Hố Sổ, dự kiến kinh phí khoảng 13 tỷ đồng, được xây dựng trên nền diện tích hơn 2ha, dung tích gần 1 triệu mét khối nước và đã trình dự án lên HĐND huyện để triển khai xây dựng trong năm 2014. Nếu hồ được thi công và đưa vào sử dụng thì 20ha lúa 2 vụ và hàng chục hecta đất hoa màu sẽ được đảm bảo nước tưới, đồng thời còn tạo nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong vùng”.
Theo Kinh tế nông thôn