Như báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh, vừa qua, bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp phép cho công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) nhận chìm 15 triệu m3 vật chất nạo vét từ khu vực cảng Dung Quất xuống biển.
Theo giấy phép, 15 triệu m3 vật chất nhận chìm bao gồm 86,4% cát nhiễm mặn, 13,6% bùn sét. Địa điểm khu vực nhận chìm rộng 180ha, thuộc vùng biển Dung Quất cách bờ biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 7km. Vật chất được tàu hút bụng xả đáy tự hành thả từ mặt biển xuống độ sâu hơn 50m.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, sau khi dự án được cho phép, dư luận tỉnh Quảng Ngãi đã xôn xao. Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn nghi ngại việc nhận chìm có thể gây ô nhiễm vì có bùn sét (13,6% tương đương khoảng 2 triệu m3 bùn sét).
Ngày 3/4, ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất đã tổ chức cuộc họp bàn thảo về phương án sử dụng vật chất trong quá trình nạo vét cảng Dung Quất.
Tại đây, bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn cho biết, ở góc độ địa phương, chính quyền Bình Sơn phản ánh tâm tư, lo lắng của người dân về vụ việc. Theo đó, người dân vẫn còn nhiều âu lo về việc nhận chìm này. Bởi, năm 2018, cũng công ty Hòa Phát này nạo vét một ít vật chất ở biển đã gây nên tình trạng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt. Thời điểm này, người dân phản đối, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, chính quyền đã phải bỏ ra hơn 8 tỷ đồng hỗ trợ, bản thân Hòa Phát cũng hỗ trợ 500 triệu đồng để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
"Chính quyền không phản đối việc Hòa Phát nhận chìm vật chất ở biển vì đã có giấy phép của bộ TN&MT. Tuy nhiên, chúng tôi mong mỗi doanh nghiệp khi sản xuất, kinh doanh, không chỉ tính đến lợi ích của riêng mình, mà cần quan tâm đến cả lợi ích chung của xã hội, của người dân trong vùng dự án, đặc biệt là vấn đề môi trường", bà Thư nói.
Cũng theo vị Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, vấn đề cần xem xét là phải làm sao để giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Hòa Phát đã có giấy phép nhận chìm vật chất, doanh nghiệp cứ tiến hành theo lộ trình. Nhưng nếu gây ô nhiễm, doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước dư luận. "Phương án đưa cát, bùn sét nạo vét lên bờ san lấp thể hiện tính chủ động, là sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, huyện, của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, cũng là vì chính lợi ích của doanh nghiệp, của Hòa Phát, làm sao để người dân tin tưởng, yên tâm làm ăn, sản xuất, cuộc sống không bị xáo trộn, khó khăn", bà Thư nêu quan điểm.
Trong khi đó, ông Đinh Văn Chung, Phó Giám đốc Hòa Phát Dung Quất cho biết, doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục cần thiết để trong quý 2/2019 này bắt đầu nạo vét khoảng 6 triệu m3 vật chất. Trong đó, Hòa Phát – Dung Quất sẽ sử dụng 2 triệu m3 cho việc san lấp nội bộ, 4 triệu m3 còn lại sẽ nhận chìm tại khu vực đã được cấp phép.
"Tháng 7/2019, Hòa Phát Dung Quất sẽ chính thức đi vào sản xuất. Tiến độ dự án là rất quan trọng để bảo đảm hiệu quả kinh tế... Khi lãnh đạo địa phương đưa ra chủ trương mới, đều dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội, chứ không thể vì lợi ích riêng của doanh nghiệp mà quên đi lợi ích của công đồng, của xã hội, đặc biệt là vấn đề môi trường. Hòa Phát cũng mong muốn sử dụng cát nhiễm mặn từ nạo vét để san lấp, đây là nhu cầu thiết thực, hiệu quả.
Trước đây, Hòa Phát Dung Quất từng đề nghị được mua cát nạo vét từ cảng Hào Hưng để san lấp, nhưng vướng các thủ tục, quy định pháp lý nên không thực hiện được", ông Chung nói.
Chuyên gia nói gì?
Dưới góc độ khoa học, chuyên gia Hải dương học Trần Văn Sâm phát biểu rằng, việc nhận chìm cát, bùn sét nạo vét cảng, nhận chìm trên phạm vi 180ha ở vùng biển Dung Quất dễ gây ảnh hưởng các loài sinh vật biển. Hàng triệu khối vật chất nạo vét nhận chìm bị tác động bởi sóng biển, dòng hải lưu có thể gây bồi lấp thảm thực vật, di sản biển nơi đây.
Cùng chung quan điểm, TS.Guy Martini, Tổng Thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu GGC cho biết thêm, Lý Sơn – Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) hoàn toàn có đầy đủ tiềm năng và triển vọng để trong tương lai trở thành thành viên mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO. Do đó, chính quyền Quảng Ngãi nên quan tâm bảo vệ môi trường trong khu vực công viên địa chất, ít nhất là tại 81 điểm dự kiến tham quan nằm trong các tuyến du lịch. Có như vậy mới bảo vệ và phát huy được giá trị của công viên Lý Sơn- Sa Huỳnh.
Còn PGS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng viện Hải dương học Nha Trang thì nói rằng, 2 triệu m3 bùn sét trong tổng 15 triệu m3 vật chất khi nhận chìm xuống biển dĩ nhiên có ảnh hưởng môi trường biển.
Th.S Trương Thị Bích Hồng, đại học Phạm Văn Đồng nhìn nhận việc người dân có phản ứng và lo lắng khi nhận chìm 15 triệu m3 vật chất xuống biển là hiển nhiên. Chưa tính đến việc khối lượng vật chất có chứa những thành phần độc hại, chỉ cần mang một khối lượng lớn như thế nhận chìm sẽ có những tác động đến hệ sinh vật khu vực bị nhận chìm. Còn nếu như có thành phần độc hại thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản và nhiều vấn đề khác.
Theo Th.S Hồng, việc nhận chìm vật chất nạo vét của Hòa Phát cần phải cân nhắc, đánh giá một cách thận trọng, cụ thể. Trong trường hợp khu vực nhận chìm thuộc công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh thì càng phải thận trọng, bởi vì sẽ dễ làm tổn thương đến di sản. Nếu đã là di sản thì tuyệt đối không được tác động. Nếu kiểm tra mà khu vực công viên địa chất bị ảnh hưởng thì sẽ không được UNESCO công nhận.
Cũng trong khuôn khổ cuộc họp, đại diện cảng vụ Dung Quất cho hay, không chỉ Dung Quất, mà tại các cảng biển trong cả nước, việc nhận chìm vật chất nạo vét là cực kỳ khó khăn. Cục Hàng Hải Việt Nam luôn ưu tiên phương án đưa vật chất nạo vét lên bờ. Ngoài cát có thể san lấp, có khoảng 20% bùn cần được xử lý riêng. Vì vậy, đề nghị tỉnh Quảng Ngãi sớm quy hoạch, xây dựng các bãi thải để chứa những chất không thể san lấp hay nhận chìm.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, ông Nguyễn Minh Tài, Trưởng ban Quản lý khu Kinh tế Dung Quất cho biết, nhu cầu nạo vét để tạo độ sâu luồng lạch ra vào cảng Dung Quất của các doanh nghiệp là khoảng 27 triệu m3 cát nhiễm mặn, bùn sét… Trong đó, riêng dự án nạo nét cảng chuyên dùng của Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất là 15 triệu m3, đã được bộ TN&MT chấp thuận cho nhận chìm xuống biển.
Theo ông Tài, có 3 doanh nghiệp đang lập hồ sơ xin nạo vét cảng, luồng tàu vào ra. Bao gồm cảng Tổng hợp 6 triệu m3, cảng Hào Hưng 4 triệu m3, dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất giai đoạn II gần 1,6 triệu m3. Doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật, cái gì được nhận chìm, cái gì không được nhận chìm. Tuyệt đối không được để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đến địa phương và đến chính lợi ích của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Quảng Ngãi.
"Riêng việc sử dụng vật chất nạo vét để san lấp những vùng trũng thấp, nhiễm mặn trong khu Kinh tế Dung Quất, Ban sẽ xem xét cụ thể, trình UBND tỉnh nghiên cứu, quyết định", ông Tài kết luận.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc!