Doanh nghiệp, người dân cùng ... kể khổ
Như báo điện tử Người Đưa Tin đã phản ánh trong bài viết: "Quảng Ngãi: Số phận "khốn khổ" của 2.000 hộ dân sống cạnh nhà máy xi măng" thể hiện, nhà máy xi măng Đại Việt - Dung Quất (khu Kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Nam) do công ty CP Xi măng miền Trung làm chủ đầu tư rình rang "đổ bộ" mảnh đất cằn Quảng Ngãi từ những năm 2000.
Vị trí xây dựng nhà máy nằm trong khu quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng được phê duyệt từ năm 2007. Nhưng khổ nỗi, thời kỳ đó, người ta thực hiện "ngược đời".
Đó là, việc di dời 2.000 hộ dân xã Bình Đông đang sinh sống trong vùng lân cận chỉ mới thực hiện trên giấy thì nhà máy đã xây dựng thực địa.
Và rồi, người dân trước đó đã trong tâm lý chuẩn bị giải tỏa di dời, bỗng nhiên "sốc" vì hủy bỏ, phải sống chung với khói, bụi, tiếng ồn…
Năm 2012, người dân đã tụ tập, dựng lều, lán trại trước cổng nhà máy, ngăn cản không cho phương tiện ra vào. Đến tháng 5/2015, nhà máy chính thức ngưng hoạt động để cải tạo, nâng cấp hệ thống thiết bị bảo vệ môi trường.
Nhưng cũng từ đó đến nay nhà máy không hoạt động trở lại vì nhiều lý do.
Hệ lụy không chỉ doanh nghiệp gánh chịu, môi trường đầu tư địa phương nơi đó mà kéo theo "số phận" 2.000 hộ dân cũng "lơ lửng" theo nhà máy xi măng này.
Sau bài báo, PV tiếp tục nhận được thêm nhiều ý kiến, tâm tư của người dân 2 thôn Sơn Trà, Tân Hy (xã Bình Đông).
Bà Nguyễn Thị Vân, trú thôn Sơn Trà mong muốn có nhiều hơn nữa những tiếng nói như báo Người Đưa Tin để người dân được bày tỏ nỗi niềm.
Theo bà Vân, thôn Sơn Trà đã quy hoạch là khu công nghiệp thì cần di dời người dân đi.
"Hồi đó là nhà máy xi măng, nay lại đại công trường thép Hòa Phát gầm rú suốt đêm ngày. Nước giếng nhiễm mặn, khói bụi, mùi hôi của hóa chất nồng nặc", bà Vân nói.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, ông Lưu Vũ Cầm, quản lý nhà máy xi măng Đại Việt cho biết, ông cùng hàng trăm công nhân cũng khốn khổ như 2.000 hộ dân xã Bình Đông.
"Doanh nghiệp đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến Chính phủ, cơ quan chức năng và chính quyền tỉnh Quảng Ngãi, vì phải ngừng sản xuất từ hơn 4 năm nay, máy móc xuống cấp, hư hỏng, công nhân mất việc, nhà máy đứng bên bờ vực phá sản", ông Cầm nói.
Cũng theo vị này, trước đây, nhà máy bị người dân phản ứng, doanh nghiệp đã nỗ lực khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường đảm bảo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất xi măng QCVN 23: 2009/BTNMT và các quy định pháp luật có liên quan.
Từ năm 2018, nhiều đoàn chức năng kiểm tra xác nhận nhà máy đã hoàn thành các biện pháp khắc phục, cải tiến thiết bị, nâng cấp công nghệ xử lý môi trường.
Nhà máy lập kế hoạch vận hành thử nghiệm để hoàn thiện quan trắc môi trường, gửi báo cáo xin vận hành thử nghiệm đến các cơ quan chức năng liên quan, nhưng không nhận được phản hồi.
Theo sở TNTMT tỉnh Quảng Ngãi, đối với kế hoạch vận hành thử nghiệm, tổ chức quan trắc môi trường của nhà máy chưa thể thực hiện được.
Bởi, UBND tỉnh chưa có quyết định về phương án di dời các hộ dân và người dân thôn Tân Hy và Sơn Trà chưa có sự đồng thuận về việc nhà máy vận hành trở lại.
Do đó, ngành TNMT đề nghị nhà máy không được tự ý vận hành thử nghiệm các công trình quản lý chất thải.
Phương án di dời gần 1.000 tỷ đồng
Theo tìm hiểu của PV, từ khi xảy ra sự việc đến nay, UBND tỉnh Quảng Ngãi từng đưa ra nhiều giải pháp giải quyết vấn đề này. Trong đó, có việc bố trí 36 tỷ đồng, di dời 107 hộ dân trong phạm vi 50m tính từ chân hàng rào nhà máy.
Năm 2017, UBND tỉnh Quãng Ngãi tiếp tục bố trí 14,7 tỷ đồng đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng dân sinh quanh khu vực.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ngãi có Báo cáo 171/BC-UBND ngày 29/7/2019 gửi Chính phủ, trình phương án di dời gần 2.000 hộ dân sống gần các nhà máy.
Theo đó, tỉnh Quảng Ngãi khảo sát, xây dựng lộ trình di dời 1.864 hộ dân trên diện tích 73ha trong phạm vi ảnh hưởng. Việc này chia làm 3 giai đoạn với tổng kinh phí khoảng 990 tỷ đồng (chưa tính chi phí đầu tư khu tái định cư).
Tuy nhiên, nguồn vốn quá lớn, UBND tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí 364 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để tỉnh lập phương án, lộ trình, kế hoạch di dời khoảng 800 hộ dân với diện tích khoảng 45ha (tức giai đoạn 1 và 2).
Đối với hơn 1.000 hộ dân và phần diện tích cần di dời còn lại (giai đoạn 3), trên cơ sở đất sạch của giai đoạn 1 và 2, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất phương án kêu gọi nhà đầu tư.
Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục thông tin!