Ngày 9/5, ngoài công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2023 (PCI 2023), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023.
Đây là năm thứ hai VCCI triển khai, công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh, tiếp nối phiên bản PGI thử nghiệm được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 4 năm 2023. PGI được thiết kế nhằm cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.
PGI có tổng điểm tối đa là 40 điểm, được đánh giá dựa trên 4 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Các chính sách giảm thiểu ô nhiễm môi trường, rủi ro thiên tai nói chung, cũng như trong các lĩnh vực môi trường không khí, chất thải, nước; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Các tỉnh thường có mức điểm thấp nhất ở tiêu chí thứ hai: Thúc đẩy thực hành xanh. Cụ thể, các địa phương phải xây dựng và thực thi các quy định và biện pháp hợp lý để đảm bảo việc tuân thủ các quy định pháp luật về môi trường mà không tạo thêm gánh nặng quá lớn cho doanh nghiệp
Về kết quả, Quảng Ninh có tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là cao nhất, dẫn đầu bảng xếp hạng với 26 điểm. Các vị trí tiếp theo là Đà Nẵng (25,66 điểm), Đồng Nai (24,71 điểm), Hưng Yên (24,59 điểm) và Thành phố Hồ Chí Minh (24,2 điểm).
Các vị trí còn lại trong Top 10 của bảng xếp hạng PGI 2023 có các tỉnh Tây Ninh (23,96 điểm), Hải Phòng (23,86 điểm), Bà Rịa – Vũng Tàu (23,47 điểm), Hà Nam (23,46 điểm), Vĩnh Long (23,15 điểm).
Một điểm đáng chú ý trong PGI 2023, có đến 3 trong tổng số 5 thành phố trực thuộc Trung ương góp mặt trong Top 10. Còn lại Cần Thơ xếp hạng thứ 17 với 22,78 điểm. Còn Hà Nội xếp ở vị trí thứ 30 với 21,95 điểm.
Phân tích của VCCI cho thấy, mặc dù Chỉ số PGI 2023 có thể góp phần giúp xác định một số đòn bẩy chính sách trong phạm vi quản trị môi trường cấp tỉnh, tuy nhiên, trên thực tế có nhiều yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền các tỉnh thành trong quá trình thực thi chính sách.
Yếu tố thứ nhất là hạn chế về nguồn lực và năng lực trong lĩnh vực còn rất mới này. Các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp để có hiệu quả đều đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn và hàm lượng kiến thức chuyên ngành sâu. Chắc chắn là lãnh đạo các tỉnh, thành phố sẽ cần đến các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật để có thể giải quyết những thách thức này.
Yếu tố thách thức thứ hai là hiệu ứng lan tỏa của ô nhiễm môi trường. Mặc dù chính quyền các tỉnh, thành phố có thể xây dựng và thực hiện tốt các chính sách trên địa bàn của mình, song họ rất khó có thể xử lý được các ô nhiễm và rủi ro về môi trường xảy ra ở các tỉnh lân cận.
Yếu tố thứ ba đến từ các động lực thị trường đối với cộng đồng doanh nghiệp tại mỗi địa phương. Một tỉnh càng có nhiều doanh nghiệp phải chịu áp lực chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh xanh hơn để đáp ứng kỳ vọng từ phía người tiêu dùng, thì điểm số PGI của tỉnh đó nhiều khả năng sẽ cao hơn so với các tỉnh khác.