Ngày 5/3, theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, tính đến hết tháng 2/2024, tổng số vốn đầu tư công của địa phương đã được giải ngân đạt gần 625 tỷ đồng, bằng 4,3% kế hoạch vốn cả năm.
Trong số 22 chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, chỉ có 8 chủ đầu tư có tỉ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung toàn tỉnh, còn lại 14 chủ đầu tư có tỉ lệ giải ngân thấp hơn. Ngoài ra, 5/13 địa phương chưa phân khai chi tiết kế hoạch vốn năm 2024.
Nguyên nhân tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được chỉ ra tại cuộc họp giao ban Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh được tổ chức đầu tháng 3/2024. Trong đó, công tác chuẩn bị đầu tư một số địa phương trên địa bàn còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng phục vụ nhiều công trình, dự án còn gặp phải khó khăn, vướng mắc kéo dài; thiếu nguồn vật liệu san lấp; việc hoàn trả khối lượng tạm ứng chuyển sang năm 2024 còn khá lớn.
Ngoài ra, một số công trình, dự án khởi công mới năm 2024 chậm được triển khai; quy hoạch chuyển đổi đất lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ sang thực hiện các công trình, dự án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Tổ công tác đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm sử dụng vốn ngân sách tỉnh và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công do ông Cao Tường Huy - Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng.
Bên cạnh đó, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra thực địa các công trình, dự án trọng điểm để nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh giao Sở Xây dựng, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Giao thông và Vận tải Tỉnh phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư tích cực nghiên cứu các nguồn vật liệu thay thế các nguồn vật liệu hiện nay để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu cho các dự án trọng điểm trên địa bàn.
Đồng thời, yêu cầu các chính quyền địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, nhất là liên quan đến bố trí tái định cư, lên phương án và tiến hành chi trả kinh phí hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng các công trình, dự án.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư kịp thời giám sát, quản lý và có báo cáo thực tế về tỉnh, các huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh để có giải pháp xử lý kịp thời, bảo đảm tiến độ các công trình, dự án cũng như sớm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, ách tắc gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện.