Chiều 29/3, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, như Tp.Cẩm Phả, Tp.Hạ Long, Tp.Uông Bí, thị xã Đông Triều... xuất hiện dông lốc và mưa đá với kích thước hạt 1 - 2 cm.
Dông lốc và mưa đá không gây thiệt hại về người nhưng khiến một số cột điện trung áp, hạ áp ở những địa phương này bị đổ, dẫn đến mất điện nhiều khu vực. Hiện Điện lực Quảng Ninh đang huy động tối đa nhân lực, vật lực để khắc phục sự cố, bảo đảm cấp điện ổn định trở lại trong thời gian sớm nhất.
Người dân tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa quên được trận dông lốc và mưa đá xuất hiện tại Tp.Hạ Long vào tháng 11/2006. Trận mưa đá kéo dài hơn 20 phút với những hạt to bằng ngón chân cái người lớn kèm theo giông lốc đã khiến nhiều tàu, đò của ngư dân trên vịnh Hạ Long bị đắm làm 8 người thiệt mạng.
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong quá trình chuyển mùa thường xảy ra hiện tượng dông lốc và mưa đá, tập trung vào từ tháng 3 cho đến tháng 5 hằng năm, cao điểm sẽ vào tháng 4. Đây không phải là hiện tượng bất thường.
Tuy nhiên, người dân nên chú ý, trước tiên là phải theo dõi bản tin cảnh báo dự báo từ các cơ quan dự báo thời tiết từ Trung ương đến địa phương để nắm bắt được tình hình diễn biến của thời tiết.
Để tránh nguy hiểm do dông lốc, sét, mưa đá, người dân cần có biện pháp phòng chống và sinh hoạt phù hợp. Trong trường hợp cơ quan chức năng cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, cần tránh sinh hoạt, hoạt động, lao động ngoài trời.