Ngày 26/10, theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn có hơn 32.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó gần 70% diện tích nuôi trên biển.
Trước kia, đa phần người dân nuôi trồng thuỷ sản trên biển sử dụng phao xốp làm vật liệu nổi cho các lồng bè. Tuy nhiên, phao xốp có độ bền thấp, sau thời gian ngắn sử dụng bị tác động bởi môi trường tự nhiên, thời tiết, nhiệt độ, thường bị nứt vỡ. Các mảnh xốp trôi nổi khắp nơi gây ô nhiễm môi trường.
Trước thực trạng này, năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành những quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản nước lợ, nước mặn trên địa bàn. Đây là cơ sở để các địa phương, tổ chức, cá nhân, ngư dân nuôi trồng thuỷ sản căn cứ để thực hiện chuyển đổi phao xốp. Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành quy chuẩn địa phương về sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản.
Từ năm 2021, tỉnh Quảng Ninh triển khai kế hoạch thay thế hơn 6,85 triệu quả phao xốp trong nuôi trồng thủy sản trên biển bằng vật liệu HDPE có độ bền cao, thân thiện với môi trường. Đến nay, các địa phương đã cơ bản hoàn thành kế hoạch với tỷ lệ chuyển đổi phao xốp sang vật liệu HDPE đạt hơn 99%. Tỉnh Quảng Ninh dự kiến thay thế nốt số phao xốp còn lại sau khi bà con thu hoạch lứa thủy sản trong năm 2023.
Cùng với thực hiện việc thay thế phao xốp bằng vật liệu nổi HDPE, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương, sở, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, kiên quyết không để phát sinh tình trạng người dân tái sử dụng phao xốp trong nuôi trồng thủy sản trên biển.