Ngang nhiên cạo trọc rừng thông do tập thể trồng từ vốn tài trợ
Từ những năm 1987-1988, nhờ nguồn tài trợ vốn của Chương trình Lương thực thế giới (PAM), những ngọn đồi um tùm cây tạp ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) đã được phủ xanh bằng những vạt rừng thông nhựa. Hơn 38ha diện tích đất rừng đã được bà con Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Mỹ Lệ ( sau đây viết tắt là HTX Mỹ Lệ) vất vả trồng thông nhựa rồi dày công chăm sóc.
Thế nhưng, sau hàng chục năm, đến thời điểm hiện tại, những hecta rừng thông nhựa rì rào gió này nay chỉ còn dĩ vãng. Cả rừng thông đã bị cạo trọc và thay vào đó là những vạt rừng keo tràm, khai thác theo thời vụ. Đặc biệt, Giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất tất cả diện tích rừng này đã không còn đứng tên tập thể là HTX Mỹ Lệ, mà thay vào đó là nhiều cá nhân trong và ngoài địa phương.
Quy trình trong việc cấp đất rừng từ tập thể sang cho cá nhân này đã lộ nhiều khuất tất, khiến bà con xã viên HTX Mỹ Lệ hết sức bức xúc và gửi đơn đến PV Người Đưa Tin mong được vào cuộc làm rõ.
Điều tra của PV, tổng diện tích mà bà con HTX Mỹ Lệ đã trồng thông nhựa từ nguồn vốn của PAM là 38,8ha. Năm 2005, Ban quản trị HTX Mỹ Lệ đã làm tờ trình xin phê duyệt đề án tổ chức đấu giá rừng thông nhựa này. Theo đó, đề nghị thanh lý 5,6ha để giao đất làm nghĩa địa cho thôn Tân Mỹ và số diện tích còn lại 33,2ha cho tổ chức đấu giá để phát triển kinh doanh và khai thác hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Phúc, một thành viên HTX cho biết, thời điểm trước khi đưa ra đấu giá, Ban quản trị họp các thành viên thì thống nhất chỉ ưu tiên các xã viên trong HTX đấu giá. Đặc biệt, theo quy chế, người đấu trúng phải giữ nguyên hiện trạng cây thông và đất rừng, không được làm biến dạng rừng, chỉ được phép khai thác nhựa thông và cho phép cắt tỉa theo mật độ đã quy định. Cụ thể, theo quy chế đề án, việc tỉa thưa để đảm bảo mật độ rừng sau đấu thầu là 800 cây/ha, năm sau giữ lại là 600 cây/ha, sau đó chăm sóc và bảo quản rừng để khai thác nhựa theo quy trình.
Sau đấu giá, đã có 3 người trúng gồm: Ông Lê Xuân Dũng đấu trúng 2,1ha, ông Ngô Văn Châu đấu trúng 3,4ha và ông Hồ Trường đấu trúng 27,7ha. Tất cả những người này đều có hộ khẩu thường trú ở xã Hải Lệ.
Thế nhưng điều khiến bà con xã viên HTX hết sức bất ngờ là trong hồ sơ đất mà họ có được, thời điểm sau đấu giá, biên bản đấu diện tích rừng thông của ông Hồ Trường lại được thay thế bằng tên của ông Lê Văn Hưởng, trú ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), một người dân không thường trú ở xã Hải Lệ.
Để rồi, đến năm 2014, bà con tá hoả khi 27,7ha diện tích rừng thông nhựa này đã được cấp Giấy CNQSD đất cho ông Lê Văn Hưởng và vợ là bà Mai Thị Thuỷ.
Phải nói thêm, cũng từ năm 2015, sau khi đứng tên trên “sổ đỏ”, thay vì chỉ được phép khai thác nhựa, tỉa thưa thông theo mật độ đã quy định trước khi đấu giá, thì 27,7ha rừng thông nhựa này đã bị ông Hưởng cho cạo trọc và trồng thành các rừng keo.
Hoài nghi về quá trình đấu giá, cấp đất, khai thác 27,7 diện tích rừng thông kể trên, nhiều bà con HTX Mỹ Lệ đã liên tục gửi đơn cho các cấp nhưng đến nay, những sự lý giải với bà con, đều không thoả mãn.
Đoàn thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm…
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đạo Ái, Chủ tịch UBND xã Hải Lệ cho biết, đã nắm những phản ánh của bà con. Do mới về nhận nhiệm vụ nên ông chưa nắm rõ tình hình thời điểm ấy, tuy nhiên, vụ việc này, UBND thị xã Quảng Trị đã có thành lập đoàn thanh tra để làm rõ và đã có kết luận.
Làm việc với UBND thị xã Quảng Trị, PV được tiếp cận Kết luận số 112/KL-UBND. Kết luận đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình đấu, cấp Giấy CNQSD đất cho ông Hưởng và vợ.
Theo đó, ông Lê Văn Hưởng và vợ là bà Mai Thị Thuỷ được UBND thị xã Quảng Trị cấp 3 Giấy CNQSD đất cùng 1 ngày 3/3/2014, với tổng diện tích 298.505m2. Từ năm 2012 đến 2014, ông Hưởng đã cho khai thác rừng thông và chuyển sang trồng keo tràm.
Tuy nhiên, kết luận nói rõ, việc cấp Giấy CNQSD đất này chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất của cấp có thẩm quyền là không đúng quy trình thủ tục theo quy định tại Điều 32 Luật Đất đai năm 2003: “Việc quyết định giao đất, cho thuê đất đới với đất đang có người sử dụng cho người khác được thực hiện sau khi có quyết định thu hồi đất đó”.
Với HTX Mỹ Lệ, việc xây dựng nội dung Đề án và Quy chế đấu thầu đã không chặt chẽ, thiếu tính thống nhất. Mặt khác, việc không tiến hành ký kết hợp đồng kinh tế giữa HTX với các hộ trúng thầu là thiếu tính pháp lý trong quản lý, sử dụng đối với rừng thông. Ngoài ra, không thực hiện đề xuất xử lý sản phẩm rừng trồng (gỗ thông) trước khi làm các thủ tục cấp giấy CNQSD đất cho các hộ; Không tiến hành đình chỉ, báo cáo cấp trên xử lý kịp thời khi các hộ tiến hành chặt hạ thông, gây tổn thất tài sản do đơn vị quản lý.
Với UBND xã Hải Lệ, kết luận nêu, công tác quản lý đất đai trên địa bàn chưa chặt chẽ, thiếu kiểm tra, chỉ đạo xử lý, có một số sai sót, sai phạm trong việc quản lý đất rừng và rừng trồng. Cụ thể, cho tổ chức đấu giá rừng thông theo tờ trình của HTX Mỹ Lệ và ban hành quyết định thành lập Hội đồng đấu giá rừng thông khi chưa có chủ trương của cấp trên cho phép chuyển đổi phương thức quản lý đối với rừng trồng từ nguồn vốn Dự án PAM.
Mặt khác, việc UBND xã Hải Lệ xác nhận đối với hồ sơ xin khai thác lâm sản với hộ ông Hưởng, bà Thuỷ là không đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 27 thông tư số 35/2011/TT-BNNPTNT ngày 20/5/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Hướng dẫn thực hiện khai thác, tận thu gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Vi phạm này chính là cơ sở để ông Hưởng - bà Thuỷ thực hiện khai thác gỗ thông, gây tổn thất tài sản của tổ chức kinh tế tập thể, tạo dư luận không tốt và gây bức xúc trong nhân dân.
Liên quan đến việc thời điểm đấu giá, người đấu trúng 27,7ha rừng thông là ông Hồ Trường- xã viên HTX nhưng trong hồ sơ đất lại thay bằng tên ông Lê Văn Hưởng, bà Mai Thị Thuỷ- người ngoài địa phương, cán bộ phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Quảng Trị cho biết, sau khi đấu trúng, ông Trường đã nhượng toàn bộ diện tích này cho vợ chồng ông Hưởng.
Tuy nhiên, trong hồ sơ đất mà phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Quảng Trị cung cấp cho PV, hoàn toàn không có giấy tờ, biên bản hay hợp đồng của việc sang nhượng này. Bi hài là, trong hồ sơ đất này, cùng một biên bản đấu giá, cùng nội dung, cùng thời điểm ngày, giờ, tháng năm nhưng tên tham gia đấu lại có đến 3 người khác nhau. Một bản viết tay ghi ông Hồ Trường đứng tên, 2 bản đánh máy, mỗi bản ghi ông Lê Văn Hưởng và bà Mai Thị Thuỷ đứng tên.
Dù trình tự, thủ tục cấp giấy CNQSD đất đối với hộ ông Lê Văn Hưởng và bà Mai Thị Thuỷ, cũng như quá trình đấu giá, quản lý, khai thác lộ rõ nhiều dấu hiệu bất thường và Đoàn thanh tra UBND thị xã Quảng Trị đã chỉ ra nhiều sai sót, vi phạm, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, ông Hưởng vẫn chưa bị xử lý về hành vi làm tổn thất tài sản tập thể và diện tích rừng keo đã trồng trên vẫn được người này cho lao động vào khai thác trước sự bất lực của bà con HTX.
Đưa những bức xúc của các xã viên HTX Mỹ Lệ chia sẻ với ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, người mà bà con Hải Lệ đã đặt rất nhiều kỳ vọng trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây tại địa phương, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, sẽ cho làm rõ, xử lý trên cơ sở đơn thư phản ánh của bà con...
Lê Kông