Lễ khen thưởng... ngậm ngùi
Mới đây, tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội) Phó giám đốc sở Y tế, ông Nguyễn Văn Yên đã tặng giấy khen và tiền thưởng cho 3 cá nhân có hành động dũng cảm, tố cáo những sai phạm "nhân bản" kết quả xét nghiệm tại bệnh viện này. Những cá nhân được khen thưởng gồm: Bà Hoàng Thị Nguyệt - viên chức khoa Xét nghiệm, bà Phan Thị Nam Đông - viên chức khoa Liên chuyên khoa và bà Khuất Thị Định - viên chức khoa Phụ sản. Theo quyết định của sở Y tế Hà Nội, 3 cá nhân được khen thưởng vì đã có thành tích đột xuất trong việc phát hiện ra những sai phạm tại bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức từ tháng 7/2012đến tháng 5/2013.
Ngoài tấm giấy khen, mỗi chị được tặng thưởng 320.000 đồng. Oái oăm thay, buổi trao lễ khen thưởng cho những con người dũng cảm, dám đấu tranh với cái xấu lại diễn ra khá chóng vánh, đơn giản đến hình thức, chỉ trong vòng chừng 30 phút. Đại diện là vị Phó giám đốc sở Y tế Hà Nội, không có đại diện của chính quyền huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội. Đến những phần lễ nghi thông thường trong một buổi lễ như tặng hoa chúc mừng và phần phát biểu của người được tuyên dương… cũng không. Lãnh đạo sở Y tế không có cái bắt tay chúc mừng những người dũng cảm mà vội vàng về ngay như thể chạy trốn điều gì đó. Thậm chí, khi cố gắng nán lại hội trường theo lời đề nghị của báo giới, chị Nguyệt còn bị nhắc nhở phải nhường chỗ cho… buổi họp giao ban của bệnh viện. Quả là một buổi khen thưởng đầy ngậm ngùi - cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - cho những con người dũng cảm.
Những giọt nước mắt lăn dài trong buổi tuyên dương khen thưởng.
Những hành động này khiến dư luận dấy lên nghi ngờ về "độ thiện chí" của chính quyền địa phương, của cơ quan cấp trên trực tiếp của bệnh viện. Phải chăng họ cũng không muốn tặng giấy khen cho những con người vạch ra những điểm xấu xí mà họ đang muốn che đậy? Và, khi sự việc đã bị "bung ra", họ buộc phải khen thưởng lấy lệ?
Và "tréo ngoe" hơn nữa, dù được tuyên dương vì hành động dũng cảm của mình nhưng cả ba "người hùng" này đều khóc. Họ đứng trên bục trao thưởng mà buồn bã, đôi mắt đỏ hoe, đôi má lăn dài nước mắt. Những giọt nước mắt đan xen nhiều xúc cảm. Họ khóc vì quá trình đấu tranh của họ dù khó khăn mà đã từng có lúc bị 40 người đe dọa kiện ngược lại nay đã được công nhận.
Trả lời báo chí về số tiền khen thưởng khiến dư luận bất ngờ, vị Phó giám đốc sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Yên nói rằng: "Đây là phần thưởng cho hành động dũng cảm, dám chỉ ra điều sai trái của các chị. Đó là ý nghĩa vô giá của việc khen thưởng". Dù biết "ba đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng" và mức tiền thưởng kia chỉ mang tính tượng trưng nhưng buổi lễ trao thưởng thật diễn ra qua quýt, khiến cho những người dám đứng lên đấu tranh vì lẽ phải cảm thấy tủi thân, dư luận thì bức xúc trước cách làm việc của ngành chủ quản.
Không nên máy móc, cứng nhắc
Sau lễ khen thưởng, ông Nguyễn Văn Yên, Phó giám đốc sở Y tế Hà Nội khẳng định: Việc vinh danh những cá nhân dũng cảm đứng lên tố cáo những sai trái tại bệnh viện đa khoa Hoài Đức là phần thưởng lớn nhất, vô giá với những cá nhân này. Đây cũng là nguồn động viên cho tất cả những nơi, những con người khác khi phát hiện tiêu cực hãy mạnh dạn tố cáo, phát hiện, sửa chữa sẽ tốt hơn nhiều.
Lời nói của vị lãnh đạo sở Y tế Hà Nội chất chứa sự hoa mỹ, hình thức đến mức thấy buồn. Vì nhìn vào thực tế, liệu với số tiền khen thưởng cộng với sự hời hợt, lấy lệ trong buổi tuyên dương khen thưởng như trên liệu có khuyến khích được người dân, cán bộ đứng lên tố cáo tiêu cực?
Trao đổi với PV Người Đưa Tin về số tiền thưởng 320.000 đồng/người với ba cá nhân chống tiêu cực, luật sư Nguyễn Duy Hùng (đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, nếu chiểu theo luật thì mức thưởng của sở Y tế Hà Nội là đúng. Bởi căn cứ vào Nghị định số 42/2010/NĐ-CP, ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Thi đua, khen thưởng và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thi đua, khen thưởng, có ghi rõ tại Điều 75 (bằng khen, giấy khen), khoản 1 điểm c quy định: Đối với cá nhân được tặng giấy khen quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2, Điều 74 luật Thi đua, khen thưởng được kèm theo mức tiền thưởng 0,3 lần mức lương tối thiểu chung. Như vậy, căn cứ theo Nghị định trên, hình thức giấy khen thì chỉ được tính 0.3 x mức lương cơ bản (1.050.000 đồng) sẽ ra số tiền thưởng là 315.000 đồng, được làm tròn 320.000 đồng.
"Luật quy định là vậy, tuy nhiên theo tôi, hành động của các chị phải có thêm hình thức "thưởng nóng" mới xứng đáng. Bởi lẽ hành động của ba chị là việc dũng cảm chống lại một tập thể cấu kết làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân, làm xấu đi bộ mặt của ngành y tế. Từ vụ việc này, chúng ta cũng cần xem xét lại mức thưởng cho những người dám đứng lên chống tiêu cực để dư luận tin vào phong trào phát động phòng chống tội phạm, tham nhũng. Và, cũng để khuyến khích những người khác đứng lên chống tiêu cực", luật sư Hùng cho hay.
Bạn đọc Nguyễn Hoài An (Đống Đa, Hà Nội) tỏ ra bất bình trước mức thưởng của sở Y tế Hà nội: "Khi tôi nghe tin các chị được thưởng 320.000 đồng, tôi cứ nghĩ mình nghe lầm. Vậy mà không ngờ đó lại là sự thật. Tôi tin chắc rằng khi các chị đứng lên tố cáo là không phải mong muốn sẽ nhận được tiền thưởng mà các chị làm việc ấy vì cái tâm của một lương y. Vì thế, thà rằng ngành y tế tặng các chị bằng khen của bộ Y tế còn hơn là 320.000 đồng. Số tiền ấy có khác nào xúc phạm các chị. Thời buổi hiện nay, 320.000 đồng chỉ mua được 20kg gạo hoặc vài lần đổ xăng xe… Thà không thưởng thì thôi, đã thưởng phải thưởng cho xứng đáng. Mức thưởng ấy làm sao mà khuyến khích được người dân đứng lên tố cáo".
Thành Huế - Phạm Thiệu