Chuyện kể rằng, vua Sở Bình Vương vì sợ cha của Ngũ Tử Tư là Ngũ Xa tranh quyền nên âm thầm lập mưu giết chết ba cha con của Ngũ Xa. Vì biết rõ ý định của vua nên Ngũ Tử Tư đã bỏ trốn sang nước Ngô lánh nạn. Trước khi lên đường, Ngũ Tử Tư thề rằng, "Nước Sở muốn còn giữ được cúng tế thì chớ giết cha và anh ta, bằng không thì tất ta phải diệt nước Sở mới hả lòng căm tức của ta!".
Khi sang được nước Ngô, ông đã giúp công tử Quang lên ngôi báu (tức vua Hạp Lư), nên được vua rất tin dùng. Mối thù giết cha và anh trở thành động lực để ông giúp Hạp Lư đánh nước Sở. Sau nhiều năm theo vua Hạp Lư, cuối cùng ông đã giúp vị vua này đánh bại quân Sở. Khi mọi việc xong xuôi, mọi người đều vui mừng, riêng Ngũ Tử Tư buồn rầu.
Thấy vậy vua Hạp Lư xét hỏi, thì Ngũ Tử Tư thưa rằng, "vì kẻ thù giết cha và anh tôi chưa trả được. Hắn tuy đã chết nhưng xin Đại Vương cho phép tôi được đào mả Sở Bình Vương lên phá áo quan chém lấy đầu thì tôi mới hả lòng căm tức". Vua Hạp Lư đồng ý nên Ngũ Tử Tư đã cùng quân lính đi tìm mả của Sở Bình Vương để đào. Công việc tìm kiếm khó khăn, vì mộ của Sở Bình Vương nằm dưới một đáy hồ.
Tìm mãi không thấy, Ngũ Tử Tư đã vật vã khóc than. Đương lúc thất vọng có một cụ già đi qua và mách chỗ đặt huyệt mộ vua Sở Bình Vương cho ông. Đúng như lời cụ già, người lặn xuống đáy hồ nhìn thấy một quan tài bằng đá nên ông vội sai quân lính đắp đất xung quanh huyệt mộ rồi tát cạn. Khi quật nắp huyệt mộ lên không thấy xác của Sở Bình Vương đâu. Cụ già lại mách, đó là mộ giả, mộ thật nằm ở dưới sâu hơn ba thước. Quân lính nghe thế liền đào tiếp và phát hiện một chiếc quan. Khi quật ra thấy xác Sở Bình Vương da thịt vẫn còn nguyên vẹn.
Vừa trông thấy mặt kẻ thù, Ngũ Tử Tư đã sai người lôi xác ra, ông dùng roi đánh 300 phát khiến thịt nát xương tan. Sau đó, dùng chân dẫm lên bụng, thò tay khoét mắt, cắt đầu, còn thân xác sai quân phơi giữa cánh đồng. Cụ già mách cho Ngũ Tử Tư cũng chính là một trong những phu năm xưa bị bắt đi xây lăng mộ. Tất thảy những người thợ xây lăng mộ này đều bị giết chết, duy có cụ già này bỏ trốn được. Việc cụ già giúp Ngũ Tử Tư trả thù cũng là để trả thù cho những người bạn của mình năm xưa.
Luật nay: Phạm tội xâm phạm mồ mả
Câu chuyện Ngũ Tử Tư trả thù cho cha và anh được sử sách lưu truyền cho đến tận ngày nay. Một thời, ông được ca ngợi như một tấm gương hiếu nghĩa, một bậc túc trí đa mưu đã trả được thù giết cha và anh. Nhưng khi đọc lại câu chuyện trên, nhiều người không khỏi rùng mình kinh hãi. Thời Xuân Thu Chiến Quốc, trong xã hội ai cũng lấy việc đánh nhau, trả thù làm trọng, nên việc làm phi nhân tính của Ngũ Tư Tư được xem là bình thường. Tuy nhiên, trong xã hội văn minh, hành vi như trên của Ngũ Tử Tư và những người trợ giúp khác là không thể chấp nhận được.
Đáng lẽ một người có học như Ngũ Tử Tư phải hiểu rằng, người đã chết không thể làm hại được ai. Do đó, người sống có bất cứ hành vi nào xâm hại đến người đã chết đều là hành vi đê hèn. Thậm chí, chiếu theo BLHS của nước ta, về tội xâm phạm thi thể mồ mả tại Điều 246 thì việc đào bới, quật mộ, vứt xác của Ngũ Tử Tư và những người trợ giúp ông sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Khoản 1 Điều 246 quy định: Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Chiếu theo điều này, Ngũ Tử Tư có khả năng phải chịu mức án cao nhất của khung hình phạt.
Trinh Phúc