"Nhảy việc" vì bị... sàm sỡ
Theo tìm hiểu của PV, thực tế có không ít trường hợp bị quấy rối tình dục nơi công sở. Tuy nhiên, những người này dẫu có bị sàm sỡ, quấy rối cũng chỉ "ngậm bồ hòn làm ngọt" hoặc lặng lẽ "nhảy việc". Chia sẻ với PV, chị Hoàng Thị H. (ở Ba Đình, Hà Nội) cho biết, mặc dù đi làm được hơn một năm nhưng chị đã phải thay đổi công việc đến 2 lần. Lý do không phải vì công việc không phù hợp, hay môi trường làm việc không tốt, mà chị H. không thể chịu đựng nổi sự quấy rối "âm thầm" của đồng nghiệp và sếp.
Ảnh chỉ có giá trị minh họa.
Cầm tấm bằng tốt nghiệp loại ưu trên tay, cộng với chút nhan sắc trời cho và khả năng giao tiếp khéo léo, chị H. lần nào nộp hồ sơ xin việc cũng nhanh chóng được tiếp nhận.
Lần đầu tiên làm cho một công ty chuyên cung cấp thiết bị y tế, vừa mới chân ướt chân ráo vào công ty, H. đã "gặp họa" với chính sếp của mình. Là thư ký của sếp thì việc cận kề sếp hàng ngày là điều tất yếu. Thế nhưng, chính sự gần gũi ấy lại vô tình biến thành cơ hội được để sếp "đụng chạm" với nhân viên. Cuối cùng không chịu nổi với lối hành xử của sếp, cô đã nộp đơn xin thôi việc.
Công việc thứ hai mà H. thử sức là làm nhân viên truyền thông cho một công ty chuyên cung cấp thực phẩm chức năng. Cứ tưởng làm trong một môi trường có sếp là nữ thì cô sẽ thoát khỏi được cảnh quấy rối nơi công sở.
Thế nhưng "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa", thỉnh thoảng trong thang máy, H. giật thót mình vì những cú sờ soạng cạnh eo hoặc những bàn tay "mò mẫm" một cách vô duyên. Ám ảnh vì sự quấy rối nơi công sở, H. lại làm đơn xin nghỉ việc và tìm kiếm cơ hội ở một môi trường làm việc "trong lành" hơn.
Thật trớ trêu, ở môi trường làm việc nào, cô cũng dễ dàng trở thành nạn nhân của tệ nạn quấy rối tình dục. Có khi cũng chỉ từ ánh mắt nhìn chằm chặp của gã đồng nghiệp ngồi đối diện cũng khiến cô "sởn gai ốc". Đó là lý do cô liên tục "nhảy việc".
Sợ mọi người sẽ hiểu sai về mình khi công khai chuyện bản thân bị quấy rối tình dục là một trong những nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ chỉ biết âm thầm "nhảy việc". Hầu như đa số nạn nhân chỉ dám đề cập đến vấn đề này khi họ đã rời nơi làm việc cũ.
Không chỉ bị quấy rối ở môi trường văn phòng được xem là "trong lành", có trường hợp còn bị quấy rối ngay giữa "thanh thiên bạch nhật". Mới đây, dư luận đã tỏ ra vô cùng bức xúc trước sự việc chiều 24/1, hai người đàn ông đã có hành vi sàm sỡ đối với một nữ cảnh sát giao thông còn rất trẻ tại ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi (Hà Nội).
Khi nữ cảnh sát di chuyển từ làn đường bên cạnh về bục gác giữa đường để tiếp tục điều tiết giao thông, bất ngờ bị hai tên thanh niên đi xe máy rồ ga phóng rất nhanh qua, quờ tay chộp vào ngực cô gái rồi bỏ chạy. Tất cả những người chờ đèn đỏ đều chứng kiến hành vi của hai tên côn đồ và càng tỏ ra bức xúc.
Trường hợp trên có lẽ chỉ là một trong vô số các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Vậy nên, việc bộ LĐ-TB&XH xây dựng Dự thảo quy định xử phạt hành vi quấy rối tình dục nơi làm việc đang làm "nóng" dư luận.
Bà Nguyễn Thị Khá.
Ôm hôn cũng bị "đè" ra phạt?!
Theo nhận định của các chuyên gia, quấy rối tình dục là hành vi không mới, nhưng đáng chú ý bởi lần đầu tiên được cụ thể hóa và đưa vào khoản 2, điều 8 của Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012. Theo đó, quy định nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tại điều 10, chương II, mục 1 quy định hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bị phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chưa có một định nghĩa về hành vi quấy rối tình dục nhưng bộ LĐ-TB&XH lại nhanh nhảu đưa vào dự thảo nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động với mức phạt lên tới 75 triệu đồng. Vậy thế nào là quấy rối? Quy định này đã khiến nhiều người bất ngờ và cho rằng thiếu căn cứ, khó khả thi.
Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Thu Nga đồng tình với việc ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục. Tuy nhiên, TS. Nga băn khoăn: "Không hiểu bộ LĐ-TB&XH dựa trên cơ sở nào để đưa ra mức phạt 75 triệu đồng? Việc xác định thế nào là quấy rối tình dục ở nước ta là rất mơ hồ. Người Việt Nam chúng ta không có phong tục ôm hôn. Vậy khi gặp nhau, người ta ôm hôn mà "đè" ra phạt 50-75 triệu đồng thì chẳng khác nào "đá tảng đè cua". Theo TS. Nga, Bộ LĐ-TB&XH phải làm rõ được khái niệm thế nào là hành vi quấy rối tình dục, đồng thời phải xác định được cụ thể phạm vi điều chỉnh như thế nào rồi mới tính đến việc quy định chế tài xử phạt.
Nhận định về mức phạt 75 triệu đồng cho hành vi quấy rối tình dục mà bộ LĐ-TB&XH đề xuất, TS. Nga cho rằng sẽ là quá nặng khi phạt hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói, nhưng 75 triệu đồng lại là quá nhẹ đối với hành vi cưỡng dâm.
Ai là người... quấy rối tình dục?
Trao đổi với PV báo ĐS&PL, bà Nguyễn Thị Khá- Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Hiện tại trong hệ thống pháp luật của chúng ta vẫn chưa có một hình phạt cụ thể nào dành cho hành vi quấy rối tình dục. Pháp luật mới chỉ dừng lại ở những tội danh cụ thể như hiếp dâm, cưỡng dâm... còn hành vi quấy rối tình dục vẫn chưa được thể hiện cụ thể trên hệ thống văn bản.
Vậy khái niệm quấy rối tình dục, cụ thể là quấy rối tình dục nơi công sở được hiểu như thế nào? Bộ LĐ-TB&XH chưa đưa ra được "nghĩa đen" của hành vi này như thế nào, hành động cụ thể ra sao? Nhìn liếc có được gọi lại quấy rối? Và những "hình ảnh" như thế nào được xem là quấy rối tình dục?
Theo quan điểm của tôi, khái niệm quấy rối tình dục chưa được thống nhất trong luật thì khó có thể xử phạt. Chỉ khi có khái niệm rõ ràng, hành vi rõ ràng thì mới có thể xử phạt. Nếu tội danh khó xác định, thậm chí mù mờ thì làm sao mà phạt được?".
Bà Khá cũng cho hay, quy định này không khả thi. Bởi cách nhìn, cách đánh giá làm sao "đúng người, đúng tội" là rất khó. Vừa mới đây thôi, bộ Tư pháp cũng đưa ra quy định ngoại tình bị phạt từ 1-2 triệu đồng cũng khiến dư luận không đồng tình vì rất mơ hồ. "Đơn vị nào sẽ đứng ra ghi lại "bằng chứng?”. Quấy rối tình dục làm sao có người thứ ba? Vậy ai lập biên bản, ai làm chứng?!", bà Khá nói.
Bà Khá đặt tình huống, đối tượng nam giới sàm sỡ, liếc, nhìn chằm chặp... có thể bị coi là quấy rồi tình dục, vậy nữ giới ăn mặc mát mẻ, khêu gợi thì có bị coi là quấy rối? "Dự thảo của bộ LĐ-TB&XH chưa xác định được hành vi quấy rối tình dục. Hành vi vi phạm phải được cụ thể hóa, chứ không thể chung chung được", bà Khá nói.
"Cách hiểu không thống nhất thì áp dụng không thống nhất, thậm chí áp dụng sai (người ta lợi dụng để vụ lợi và trả thù lẫn nhau- PV). Lấy ví dụ, một cô gái muốn hại sếp bằng cách ăn mặc "tươi mát", có hành động khiêu khích..., sếp lại hiểu là cô gái "gợi ý" quay sang liếc, sờ soạng... thì ngay lập tức bị phạt?!", bà Nguyễn Thị Khá lập luận.
Phụ nữ ăn mặc gợi cảm cũng "đắc tội"? Một nhà xã hội học dẫn chứng:"Tôi lấy ví dụ nhử ở nước Mỹ, người ta quy định cụ thể nếu một người nữ hoặc nam giới đi ra ngoài với một người khác mà có bằng chứng, mà "một nửa" của họ phản ứng thì phải ra khỏi nhà và không được mang bất kì tài sản gì. Còn ở mình nếu quy định quấy rối tình dục ở công sở bị phạt 75 triệu đồng thì ngay cả chính tôi cũng không hiểu quy định phạt những ai, phạt như thế nào? Phụ nữ mặc hở hang ở nơi công sở thì có phải là quấy rối không? Những phụ nữ ăn mặc hở hang, gợi cảm thì có lẽ bị phạt hết?". |
Lan Thơm