Giấc mơ là một trong những lĩnh vực ít được nghiên cứu nhất của hoạt động não bộ. Các nhà khoa học Nhật Bản cố gắng thúc đẩy việc tìm hiểu lĩnh vực này. Họ đã mời ba người đàn ông tình nguyện tham gia thí nghiệm. Khi ngủ, những người này được kết nối với máy tính giám sát hoạt động não. Vào thời điểm gọi là “giấc ngủ nhanh” (REM), khi đồng tử dưới mi mắt tích cực di chuyển và ghi nhận các quá trình sôi động của não bộ, những người tham gia thử nghiệm sẽ được đánh thức và yêu cầu kể lại hình ảnh họ thấy trong mơ. Trung bình mỗi người bị đánh thức tới 200 lần. Tiếp đến, các nhà nghiên cứu so sánh câu chuyện được kể với sự phân bố và năng động tính của não. Nhờ đó nhóm lập ra trình vi tính giải mã hình ảnh thị giác của giấc mơ có độ chính xác đến 70%.
Bác sĩ tâm lý học Leonid Tretiak nhận định rằng, phát hiện của các nhà khoa học Nhật Bản có cơ hội ứng dụng thực tế lớn lao.
“Đây là nghiên cứu “giấc ngủ nhanh” từ quan điểm các quá trình diễn ra bên trong giấc ngủ. Mở ra triển vọng thâm nhập sâu hơn vào thế giới xúc cảm chủ quan trong các trường hợp rối loạn như tự kỷ, tâm thần phân liệt hoặc trầm cảm nội sinh. Có giả thuyết cho rằng khi con người u sầu những tình tiết nhạy cảm của giấc mơ sẽ diễn ra trong trí óc. Khi đó “giấc ngủ nhanh” diễn ra căng thẳng, có ác mộng, bệnh nhân trầm cảm thức dậy với cảm giác mệt mỏi, chán nản. Chương trình sẽ giúp các bác sĩ phát hiện triệu chứng. Ngoài ra, một khả năng nữa của việc nghiên cứu là mã hóa phát sóng các liên lạc thần giao cách cảm mà dường như cho đến này vẫn là chuyện viển vông.”
Mục tiêu tiếp theo của các nhà khoa học Nhật Bản cũng không kém phần viễn tưởng. Họ sẽ tìm cách giải mã mộng mị trong các giai đoạn khác của giấc ngủ, tạo ra thiết bị chuyển tải hình ảnh tiềm thức lên màn hình. Ông Roman Buzunov, Chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ điều trị giấc ngủ nhận xét rằng kết quả việc dựng lại hình ảnh, âm thanh, các nhân vật và cảnh trí trong giấc mơ có thể cung cấp thành video.
“Tôi nghĩ người đầu tiên ghi được giấc mộng trên ổ đĩa hay USB-flash ngay lập tức sẽ nhận giải thưởng Nobel. Tất nhiên trừ khi, cơ quan an ninh không bí mật hóa thành tựu này. Thâm nhập giấc mơ của người khác là điều rất lợi hại. Hơn thế các giấc mộng về tình dục không phải chuyện hiếm. Việc tiết lộ nội dung có thể gây những rắc rối lớn.”
Tất nhiên đó là điều còn rất xa vời. Đại diện các ngành khoa học cơ bản nhận định rằng nhóm học giả Nhật Bản đã phóng đại mức độ phát minh của họ. Động thái là nhằm thu hút sự chú ý đến nghiên cứu và gọi vốn đầu tư tiếp cho hoạt động, - nhà phân tích tâm lý Sergei Avakumov nói.
“Quả là đã thực hiện nghiên cứu tính tích cực các khu vực não bộ khác nhau trong giấc ngủ. Tiếp đến, dựa trên dữ liệu thống kê chỉ ra những phần lớn trùng lặp ở đối tượng thí nghiệm. Chẳng hạn, hoạt động của một phần vỏ não đi kèm sự xuất hiện của các nhân vật cụ thể trong mơ, ví dụ người mẹ. Chỉ có vậy. Còn quá sớm để nói rằng có thể chuyển nội dung giấc mơ thành hình ảnh.”
Vậy thì chúng ta có thể tiếp tục ngủ yên. Chưa ai thâm nhập được giấc mộng đêm và gỡ bỏ tấm màn bí mật của thế giới tiềm thức.
Theo Đài tiếng nói Nga