Niềm vui nhân đôi
Được biết, người dân thôn Đông Phước trúng giải đặc biệt trong đợt vé số do Công ty xổ số kiến thiết Khánh Hòa phát hành, mở thưởng vào Chủ nhật, ngày 7/10/2012; mệnh giá 5.000 đồng/vé; 125 triệu đồng/giải đặc biệt. Kí hiệu 12KH80, trúng giải đặc biệt với số 06868. Trao đổi cùng người viết, ông Đặng Văn Sia – Chủ tịch UBND xã Hòa An cũng khẳng định: “Nhờ tiền trúng số hàng tỷ đồng, nhiều gia đình và cả diện mạo làng quê Đông Phước đã hoàn toàn thay đổi. Đáng quý hơn, khi có tiền, bà con lại san sẻ niềm vui (tặng tiền) cho nhau. Nhờ đó, làng trên xóm dưới cũng dần dần khởi sắc”.
Nhờ số tiền trúng số, dân làng có thêm nhiều vốn liếng để làm ăn, cuộc sống sung túc thêm.
Giấc mơ từ những tờ vé số
Đến thôn Đông Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa), khi nghe hỏi nhà những người trúng độc đắc, bà con quơ tay chỉ… khắp mọi nẻo đường. Lý do là bởi ở miền quê thuần nông này, mới năm trước từng xảy ra chuyện hy hữu khi hàng loạt người trúng thưởng. Ai cũng xuýt xoa, trầm trồ, bởi số tiền quá lớn đột nhiên “rơi” đúng vào những hộ nghèo. Cá biệt, có xóm ở thôn Đông Phước, lượng người trúng độc đắc dạo ấy lên đến hàng chục, người ít 2 vé, người nhiều nhất là 8 vé.
Trò chuyện cùng chúng tôi, nhiều người dân tâm sự rất thật rằng, cả đời làm ruộng, chân lấm tay bùn, họ vẫn nghĩ đủ ăn, đủ mặc đã là may mắn. Thậm chí, vì phải nai lưng trồng rau, tráng bánh, phụ hồ... mong để dư thêm chút tiền. Vậy mà, được “lộc trời” cho…, cuộc sống giờ đây của họ đã dần đi vào ổn định. Không chỉ sửa lại nhà, mua thêm đất, làm từ thiện, người dân còn có dư tiền gửi tiết kiệm, nuôi con ăn học, kinh doanh buôn bán nhỏ… Từ một làng quê nghèo, sau một năm kể từ ngày hàng loạt gia đình trúng số, cuộc sống người dân nơi đây đã biến đổi nhanh đến mức khó tin.
Chia sẻ với PV, vợ chồng anh Phan Kiểm – chị Đỗ Thị Phương, những người trúng liền 8 vé độc đắc chia sẻ: “Trước khi trúng 8 tờ vé số, nhà tui khó khắn lắm chú ơi. Ngôi nhà ở duy nhất cũng phải mang gán cho người khác. Lúc lĩnh hơn một tỷ tiền thưởng, vợ chồng tôi mới chuộc nhà rồi xây lại cho khang trang, bề thế. Mấy đứa nhỏ tưởng phải nghỉ học đi làm, giờ cũng không phải lo bỏ dở việc đèn sách”. Nhìn ngôi nhà ba tầng khang trang, tiện nghi đầy đủ, chúng tôi thầm mừng cho gia đình. Hai đứa con trai, đứa nhỏ đang học lớp 8, đứa lớn đã lên lớp 11. Có thể một ngày không xa, các em sẽ có cơ hội vào giảng đường đại học, thay vì phải bỏ ngang đi làm thuê như hai người anh, một người chị trước đó.
Điều dáng nói, dù cầm trong tay bạc tỷ, cuộc sống cũng khấm khá lên nhưng chị Dương và chồng vẫn sống giản dị, chăm chỉ lao động. Trong khi chị ngày ngày bán thịt lợn ở chợ Xéo thì anh Kiểm cần mẫn đi phụ hồ, rảnh việc lại xuống giúp vợ. Những người bán hàng ở chợ Xéo cho biết, chị Dương lúc nào cũng giản dị, thường xuyên bỏ tiền ra giúp đỡ, động viên những người xung quanh gặp khó khăn, hoạn nạn.
Gia đình chị Hường mở được tiệm váy cưới, trang điểm cô dâu
Tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Mẫn (81 tuổi), chúng tôi được vợ chồng ông chào đón hết sức vui vẻ. Biết chúng tôi về thăm lại làng trúng số độc đắc sau một năm xem có gì đổi khác, ông cười bảo: “Có nhiều lắm chú ơi!. Trước khi trúng số, nhà tôi ọp ẹp lắm. Hai vợ chồng sanh nhiều, tụi nó đi lấy chồng, lấy vợ rồi mà vẫn cứ đói ăn, chẳng báo hiếu bố mẹ được gì. Ngôi nhà tranh dột nát, vợ chồng tôi cũng phải cắn răng sống tạm qua ngày, bởi tuổi gia sức yếu làm sao có tiền triệu sửa sang. May mắn thay, nhà tôi trúng được 2 vé đặc biệt. Sở hữu số tiền quá lớn, vợ chồng tôi bèn cho 5 đứa con, mỗi đứa 20 triệu đồng. Một phần khác, tôi đem sửa nhà và giúp đỡ các gia đình nghèo khó, neo đơn trong xóm. Số còn lại, tôi đem gửi ngân hàng, lấy tiền lãi mua gạo, thức ăn và phòng khi đau ốm”.
Nói về vận may khó tin của gia đình mình, anh Sơn (con trai ông Mẫn) đọc ngay dãy số 06868 và hồi tưởng: “Biết kết quả độc đắc, má tôi cứ ôm khư khư cái giỏ đựng 2 tấm vé số, tay run run, như không tin vào tai, mắt mình nữa… Thường nhật, bà chả mấy khi mua vé số. Hôm ấy không biết có phải trời thương, bà tự nhiên nghe theo mấy người hàng xóm rủ rê. Buổi tối nghe tin trúng giải, ông bà triệu tập hết các con đến họp gia đình. Tụi tôi nghe nói số tiền lớn mà choáng ngợp. Đến giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy tim mình đập thình thịch”.
Dành tiền làm từ thiện
Hơn một giờ đồng hồ trò chuyện với vợ chồng chị Dương và gia đình ông Mẫn, chúng tôi được biết thêm thông tin về chị Hường, người trúng 3 vé đặc biệt dạo ấy. Nhờ số tiền lớn năm ấy, chị thuê được cửa hàng lớn chuyên kinh doanh áo cưới, trang điểm cô dâu. Nói về những thay đổi lớn sau ngày trúng số của gia đình mình, Chị Hường cho hay: “Số tiền trúng số, ngoài việc làm vốn mở cửa hàng, cho bà con họ hàng, làm từ thiện, tôi đem tất cả gửi ngân hàng, số tiền ấy gia đình tôi không dùng đến. Bây giờ, mọi sinh hoạt chi tiêu trong nhà cũng như chi phí cho con đi học đều lấy từ tiền mà tôi làm ở tiệm cho thuê đồ cưới, tiền nuôi bò, nuôi lợn và tiền chồng tôi đi làm thêm ở ngoài!”
Ông Nguyễn Thuận (ở thôn Đông Phước), người đã trúng 2 tờ đặc biệt cho rằng: “Trời cho lộc thì không thể hưởng một mình. Khoản tiền trúng số, tôi dành một phần giúp đỡ những gia đình nghèo, những gia đình khó khăn, những người gia trong thôn!”. Nghĩa cửa của ông Thuận rất đáng được ghi nhận, dù rằng trước khi trúng số, hoàn cảnh gia đình ông cũng hết sức khó khăn. Từng sống trong bần hàn, lam lũ, ông Thuận thấm thía hơn ai hết nỗi khổ đau của người lao động nghèo. Do vậy, ông đã thông cảm và chia sẻ với họ bằng những gì mình có. Nhiều người dân trong thôn đã rất xúc động trước những nghĩa cử tốt đẹp của ông và gia đình.
Những nếp nhà khang trang của dân làng khi dùng tiền trúng số làm ăn kinh tế
Trong quá trình thực hiện loạt bài này, chúng tôi đã từng chứng kiến nhiều người lúc nghèo thì không quản lam lũ vất vả, một nắng hai sương, đến khi trúng số thì nhất quyết không chịu làm lụng, chỉ ngồi không hưởng “lộc trời”. Phần lớn số tiền lĩnh giải, những người này tiêu xài phung phí, trưng diện, đua đòi… Nhưng về thôn Đông Phước, điều đáng quý là tất cả các gia đình đều không vướng vào quy luật bi kịch này. Sau ngày trúng số, những người nông dân “tỷ phú” ấy vẫn cần mẫn làm việc, sống giản dị và ứng xử chan hòa với bà con xóm giềng.
Ông Trương Văn Thạnh – Trưởng thôn Đông Phước cho biết: “Những người trúng số ở đây đa phần đều thuộc những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên có được số tiền lớn như thế là điều đáng mừng rồi. Đáng mừng hơn là từ ngày có số tiền lớn, gia đình nào cũng đều sử dụng một cách hợp lý, không có chuyện tiêu xài hoang phí. Đặc biệt, mỗi khi có đợt quyên góp, ủng hộ tiền cho người nghèo hoặc làm từ thiện thì những gia đình này đều tiên phong tự nguyện đóng góp’. Ông Thạnh cũng triết lí: “Không tiền đã là điều đáng sợ nhưng có tiền mà không biết sử dụng đồng tiền đúng mục đích, tiêu xài hoang phí, cờ bạc rượu chè, làm những việc phạm pháp… thì người ta còn xuống dốc nhanh hơn gấp trăm lần lúc cơ cực, bần hàn”.
Tạm biệt những gia đình may mắn, chúng tôi trở về khi mặt trời ngả sau rặng tre làng. Trên đường về, nhìn những nếp nhà khang trang đã lên đèn, tôi thực sự cảm nhận được niềm vui, sự yên bình của làng quê một thời nghèo khó này. Thế mới biết, khi được sử dụng hợp lý, những tấm vé số độc đắc có thể giúp đổi đời những số phận tưởng chừng suốt đời không thoát được khỏi nỗi vất vả “quanh năm theo đít con trâu”.
Theo Đời sống & Hôn nhân