Hôm chiều 21/11, có một sự kiện "lạ" trong hội trường quốc hội: Rất nhiều đại biểu nữ mặc áo dài màu tím. Té ra hôm ấy quốc hội thảo luận ở hội trường việc thành lập thành phố Huế sẽ trực thuộc trung ương. Có người nói đây là việc "ủng hộ ngầm" việc họ sẽ bỏ phiếu thông qua việc này.
Và quả là, chiều 30/11 vừa qua, nhiều người dân Huế nói đấy là một chiều... đẹp, quốc hội đã bỏ phiếu đồng thuận rất cao việc cả tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố Huế trực thuộc trung ương. Có tờ báo giật tít: "Huế lên trung ương"
Khỏi phải nói dân Huế mừng như thế nào?
Facebook của rất nhiều con dân Huế bày tỏ sự hân hoan phấn khởi trước sự kiện này.
Bỏ qua các tiêu chí thông thường của một thành phố trực thuộc trung ương, Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương bằng tiêu chí di sản văn hóa.
Huế, suốt hơn 300 năm trước đó, từng là thủ phủ xứ Đàng Trong (1636-1775), kinh đô của triều Tây Sơn (1788-1802) và kinh đô nhà Nguyễn (1802-1945). Năm 1945, chính phủ của vua Bảo Đại giao ấn kiếm cho chính phủ VNDCCH tại kinh thành Huế.
Tôi là dân Huế "không triệt để", bố người Huế, mẹ người Ninh Bình, sinh ra ở Thanh Hóa, sau 75 học đại học ở Huế rồi lên Tây Nguyên làm việc từ năm 1981 tới nay, ở Huế chỉ còn vợ chồng em trai và mộ phần ba mẹ, được gọi là Huế... xa, mà cũng mừng khấp khởi.
Bởi tôi biết, đây là thế mạnh để Huế tiếp tục phát triển.
Quê tôi, cái dải Ngũ Điền, từng hết sức khó khăn, nhất là đường giao thông. Xưa mỗi lần về quê, tới Huế thì phải đi đò dọc, hoặc xe máy, ô tô thì phải vòng ra Quảng Trị để vào, thì giờ đường ô tô chạy qua nhà tôi, từ khi cây cầu Tam Giang (dân đang đề nghị trả lại tên cũ là Ca Cút cho cây cầu này) khánh thành, đường về quê được rút ngắn lại rất nhiều. Giờ thêm con đường đôi hiện đại nữa, cái sự thông thương của Huế nó càng thuận lợi.
Và nó chính là chỉ dấu của sự phát triển.
Sẽ có Huế đô thị xịn, Huế biển, Huế núi, Huế nông thôn, Huế sông, Huế phá, Huế di sản, Huế hiện tại và hiện đại. Huế thành quách, Huế lăng tẩm, Huế cây, Huế ruộng, Huế xanh, Huế cát vân vân...
Quê tôi là vùng cát.
Tôi là con dân của vùng ấy.
Không hẳn biển, không hẳn sông, quê tôi là một dải cát kéo dài từ Quảng Trị tới cửa Thuận An, một phía là biển, một phía là sông, có một đoạn phá, và trên ấy là hợp sinh của nhiều loại động, thực vật đặc trưng.
Quê tôi từng có những cái tên vừa dân dã, thân thuộc nhưng cũng rất âm vang. Ấy là Thanh Hương, Kế Môn, Đại Lược, Thế Chí Tây, Thế Chí Đông. Khai lý lịch, thể nào tôi cũng khèo vào tên cái làng cũ quê tôi, Thế Chí Tây. Nghe nó mộc mạc gần gũi, thân thương và lại cũng đầy bản sắc.
Thanh Hương còn gắn với một trận chiến được đánh giá là dữ dội nhất trong lịch sử kháng chiến của nhân dân Thừa Thiên Huế.
Tôi đã từng rất nhiều lần lượn qua lượn lại ở đấy để hình dung lại nơi đã từng xảy ra cái trận chiến đau thương ấy nhưng… chịu. Chỉ thấy một làng quê thanh bình, trống trải, chả thấy địa hình nhấp nhô đồi núi khe rãnh để mấy nghìn con người có thể quần nhau ở đấy tới 3 ngày với rất nhiều người tử trận.
Đấy giờ là một vùng phát triển. Thậm chí là phát triển... nóng. Tôi từng về quê tìm một cây rơm điển hình nông thôn để chụp ảnh mà kiếm mãi không ra.
Bây giờ đường nhựa chạy qua làng, đường bê tông xương cá luồn theo từng ngụ (ngõ) kéo lên tận độn cát. Nhưng tôi vẫn không thể quên cái hình ảnh ngày xưa, đã từng in đậm trong trí óc cậu học trò là tôi lần đầu tiên về quê: Mỗi người khi đi trên đường đều cầm theo một… cành lá. Họ chạy chứ không phải đi, vì cát rất nóng. Cành lá che đầu. Chạy chạy chạy đến lúc nóng quá chịu không nổi thì vất cành lá xuống cát, giẫm chân lên để nghỉ bớt nóng. Rồi lại cầm cành lá lên để chạy, rồi lại vất xuống giẫm. Cứ thế mà di chuyển…
Giờ mỗi lần về quê tôi đều thích tha thẩn ở các chợ. Mỗi làng ở Ngũ điền đều có một cái chợ. Chợ Mới Điền Hải, chợ Biện Điền Hòa, chợ Đại Lộc, chợ Kế Môn. Làng tôi kẹp giữa 2 cái chợ lớn là chợ Mới và chợ Đại Lược (Lộc) nên cái chợ Biện có vẻ bé hơn, và chỉ họp mỗi ngày chừng một tiếng từ 1 giờ đến 2 giờ chiều. Cũng chả hiểu sao chợ lại họp vào cái giờ oái oăm ấy. Món rất rẻ ở đấy nhưng tôi lại rất thích ăn là… hến. Những con hến to như nắm tay trẻ con chứ không phải loại hến như móng tay thông thường. Một thời nó là món ăn chống đói, canh hến nấu rau lang ăn với củ khoai luộc. Giờ nó là đặc sản. Hến to thế nên tách vỏ khi sống chứ không luộc, rồi xào với thơm (dứa), đơn giản thế nhưng rất tốn cơm và… rượu. Có lần tôi dẫn cả chục ông bạn về, nói em dâu, em chỉ độc món cho tụi anh, là hến, không phải lo các món khác.
Những dân dã, quê mùa, giờ thành đặc sản là thế.
Giờ thì tôi mắc một thứ bệnh không khó nhưng cũng chả dễ chữa, ấy là thèm… về quê. Cũng không dễ để năm nào cũng vài lượt về. Nhưng năm nào cũng phải cố gắng để về. Có khi chỉ để ngồi nhâm nhi ly cà phê ở cái quán chả khác gì phố, nghe Trịnh và đợi em dâu nấu một bữa cơm quê, càng quê càng ngon, với măng chua nấu cá, chóp môn muối kho chạch, cá tươi kho với rất nhiều ớt, và hến, tất nhiên. Nghe cái tiếng dạ đến nao lòng chả cứ kẻ xa quê, mà bất cứ ai đã từng nghe cũng phải mềm lòng xao xuyến…
Quê giờ dẫu phố nhưng nó vẫn rất đậm nét quê. Phóng tầm mắt từ cửa sổ ra, những đầm sen ngút ngát. Dân quê trồng sen, không phải để chơi như người phố, mà làm kinh tế, bởi họ tính toán, trồng sen lời hơn trồng lúa. Giờ những đồng sen giữa phố như thế lại càng quý, nhất là trong thời buổi sống ảo hiện nay, nhu cầu check in cũng ngang nhu cầu cơm ăn nước uống. Thế là sen lên ngôi. Đã đành Huế thành nội đã có sen Tịnh Tâm nổi tiếng, thì giờ thêm sen ngoại thành, sen thị xã, phố ngoài phố, nó lại chả tương hỗ nhau để mà phát triển, để mà đẹp, mà làm phố mềm đi, phố đẹp lên, gần gũi thân thương như... quê.
Và tôi lại nghe quê rì rầm chuyển động, từ mắt, từ tai và từ trái tim luôn mềm yếu của kẻ tha phương luôn thấy mình mắc lỗi với quê…
Là chỉ nói từ quê tôi, vùng ngũ điền, vùng cát xen kẽ nước ngọt nước lợ ấy, chứ còn vùng núi A Lưới, Nam Đông, vùng phá Tam Giang Cầu Hai, hệ thống đầm phá ven biển... tạo nên một hệ sinh thái hết sức phong phú và thú vị.
Một đồng nghiệp đang ở Huế vừa điện cho tôi: Về Huế nhé, uống bia mệ và ăn gân bò củ kiệu. Té ra bạn ấy còn nhớ gu ăn của tôi mỗi khi từ Pleiku về quê, cái món gân bò củ kiệu ấy nó vừa dân dã lại vừa rất... Huế. Nó rẻ tới bất ngờ và ăn cũng thú vị bất ngờ. Một cái niêu đất gân bò củ kiệu, mấy chai bia Huda (Dân Huế hay gọi bia mệ), một vỉa hè quen có chỗ ngồi hướng về phía thành cổ đầy rêu phế tích, ta có một chiều Huế vừa huy hoàng lẫm liệt, lại vừa dịu nhẹ tới thâm trầm, như một câu gọi nắng...
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả