AI, hướng đi mới không chỉ cho smartphone
Sự kiện ra mắt Pixel 2 của Google ở San Francisco mới đây không chỉ là một buổi lễ giới thiệu sản phẩm đơn thuần, mà nó đánh dấu cho sự khởi đầu của một xu hướng mới hoàn toàn cho nền công nghiệp smartphone.
CEO Sundar Pichai của Google thừa nhận, việc phát triển smartphone dựa trên chạy đua phần cứng đã bão hòa từ nhiều năm nay và khó có thể tạo ra thêm những đột phá. Bằng chứng là mức tăng trưởng của doanh số smartphone đang ngày càng sụt giảm và có thể tăng trưởng âm trong những năm tới.
Do đó, Google với việc ra mắt Pixel 2 đã đánh dấu mốc cho xu hướng dịch chuyển từ “"mobile-first" (ưu tiên phát triển di động) sang "AI-first" (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo) của hãng. Tiêu biểu nhất cho xu hướng này là yếu tố “machine learning” – sử dụng khả năng tự học hỏi của máy móc để tự động điều chỉnh sản phẩm theo thói quen của người dùng đang được tích hợp chặt chẽ trên các sản phẩm của Google, chứ không chỉ riêng smartphone.
Chẳng hạn như việc thu thập dữ liệu từ tính năng dịch thuật nhiều năm nay của Google đã giúp hệ thống của hãng này đọc hiểu được tới 96 ngôn ngữ khác nhau và thực hiện hơn 2 tỷ bản dịch mỗi ngày. Kho dữ liệu khổng lồ đó đã được Google Pixel Buds – tai nghe không dây mới ra mắt – ứng dụng một cách hoàn hảo bằng machine-learning khi nó có khả năng dịch trực tiếp ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác ngay khi người dùng đang nói.
Một người dùng nói tiếng Thụy Điển có thể trò chuyện trực tiếp với người dùng khác nói tiếng Anh thông qua tai nghe Google Pixel Buds hay điện thoại Google Pixel 2. Đó là một bước đột phá lớn lao, làm thay đổi cách chúng ta sử dụng thiết bị công nghệ và là điều mà cả Apple hay Samsung vẫn chưa làm được.
Machine-learning còn trực tiếp tham gia vào việc cách mạng hóa các quy trình nhiếp ảnh, không chỉ trong việc chụp ảnh, chỉnh sửa, thêm hiệu ứng mà còn tối ưu hóa khả năng tìm kiếm trong một bộ sưu tập ảnh lớn. Chẳng hạn như ứng dụng Google Photos từ lâu đã cho phép tìm kiếm tất cả những bức ảnh liên quan chỉ bằng một từ khóa đơn giản, dựa vào việc phân tích các bức ảnh trong bộ sưu tập.
Chắc chắn nhiều người dùng Google Assistant cũng rất quen thuộc với khả năng trả lời thông minh của trợ lý ảo này dựa trên sự phân tích những nguồn dữ liệu lớn. So với Siri chỉ có thể đơn thuần đưa ra một trang web chứa kết quả tìm kiếm khi gặp những câu hỏi khó, Google Assistant có thể chọn những phương án xử lý thông minh hơn nhiều và “giống một người trợ lý” thực sự chứ không phải là một cái máy.
Ấn tượng nhất tại sự kiện của Google phải kể đến chiếc máy ảnh nhỏ gọn mang tên Google Clips được kết hợp sâu hệ thống machine-learning. Nó không cần người bấm, mà có thể tự nhận diện gương mặt và tìm kiếm những khoảng khắc thú vị trong gia đình như em bé tập đi, người đang cười hay thú nuôi đùa giỡn để tự động chụp. Ngoài ra Clips cũng có khả năng hạn chế chụp ảnh người lạ mà chỉ quan tâm đặc biệt đến người thân trong nhà mà thôi.
AI sẽ quyết định ai là người dẫn đầu
Smartphone chắc chắn vẫn sẽ là thiết bị công nghệ được loài người sử dụng rộng rãi trong nhiều năm nữa. Apple với các công nghệ đột phá và khả năng hoàn thiện phần cứng hoàn hảo trong vòng 10 năm qua đã luôn dẫn đầu thị trường smartphone, nhưng liệu họ có thể làm điều tương tự trong tương lai?
Có thể khẳng định AI là xu hướng tương lai cho smartphone, và đáng tiếc là Apple lại đang tỏ ra đang khá chậm chân. Việc iPhone X chỉ tích hợp một “chút ít” AI trong việc nhận diện khuôn mặt, là quá nhỏ bé so với những gì Google Pixel 2 vừa thể hiện. Một ông lớn khác là Samsung thì vẫn chỉ miệt mài chạy đua phần cứng và cố mang tất cả những gì tốt nhất của đối thủ lên sản phẩm của mình chứ chưa có gì đột phá thực sự.
Google đang làm tốt hơn nhiều so với Apple và Samsung trong lĩnh vực kết hợp AI vào smartphone. Nếu mọi chuyện cứ tiếp tục diễn ra như thế này, kẻ làm chủ thế giới công nghệ và chi phối mọi mặt trong cuộc sống sẽ là Google, chứ không phải là Apple hay Samsung. Các sản phẩm Google với trí tuệ nhân tạo sẽ làm được nhiều hơn, thông minh hơn các cỗ máy phần cứng khủng nhưng “kém trí tuệ” của các đối thủ.
Nếu ai còn băn khoăn về điều này, cứ nhìn vào Google Pixel 2 sẽ thấy rõ. Thay vì tích hợp ống kính, cảm biến hay chip xử lý hình ảnh “khủng” vào camera như các hãng khác làm, Google chỉ cần tinh chỉnh thuật toán sao cho tối ưu là đã đủ khiến Pixel 2 trở thành smartphone có camera tốt nhất theo bảng xếp hạng của DxOMark. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là chiếc điện thoại mới của Google chỉ có camera đơn, “chấp” luôn camera kép trên cả iPhone 8 Plus lẫn Galaxy Note 8.
Đó không phải là ví dụ sống động cho việc dùng trí tuệ để chiến thắng sức mạnh cơ bắp đơn thuần đó sao?
Ngọc Quang