Văn Miếu Quốc Tử Giám được quét vôi, phủ màu “như mới”
Đặt chân đến khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) những ngày này nhiều người không khỏi ngỡ ngàng bởi sự "mới mẻ" của nhiều hạng mục.
Không còn cổ kính rêu phong như cũ, nhiều bức tường ngăn, rào quanh hồ Văn được quét lên một màu trắng xám. Nhiều chi tiết gỗ được phủ màu trông như mới.
Ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin sáng 10/1, tại khuôn viên phía trong Văn Miếu các tường gạch quanh hồ Văn, hay các nhà bia tiến sĩ, cổng chào, phần tường ngăn các khu nhà, điện thờ hầu hết đã được quét vôi trắng. Các hạng mục khác như cột gỗ, cửa gỗ cũng được phủ màu trông khá lạ so với trước đây.
Việc Văn Miếu Quốc Tử Giám được quét vôi, phủ màu “làm mới” khiến nhiều du khách đến tham quan thấy lạ lẫm. Một số người “trầm trồ” tưởng rằng các hạng mục mới được xây lại. Có người nuối tiếc khi cho rằng việc quét màu này làm mất đi vẻ cổ kính, rêu phong của di tích nổi tiếng này.
Kinh phí rất nhỏ, đa số đồng tình
Trả lời PV báo Người Đưa Tin ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu cho biết: Việc quét vôi, phủ màu nhằm 2 mục đích là bảo tồn di tích, tránh cho các hạng mục đỡ xuống cấp và làm di tích sạch hơn.
Theo ông Lê Xuân Kiêu, việc quét vôi, phủ màu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám đã được thực hiện vào những năm 2014 và trước đó.
“Năm 2014 Văn Miếu còn thực hiện sang sửa nhiều hạng mục hơn. Tuy nhiên, ở thời điểm đó người dân không phản ứng như bây giờ”, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu nói.
Cũng theo ông Kiêu, việc này đã được lên kế hoạch từ trước và đã được sự đồng ý của các cơ quan chức năng cũng như đã tham khảo ý kiến chuyên gia. Thời gian thực hiện đến nay đã cơ bản đã hoàn tất.
“Các công nhân thường thực hiện vào buổi chiều hoặc tối để tránh ảnh hưởng đến việc tham quan của các du khách”, ông Kiêu nói.
Trả lời về kinh phí thực hiện, ông Kiêu cho biết: “Kinh phí rất nhỏ, chủ yếu là ở tiền công còn vật liệu thì tốn rất ít. Việc vệ sinh, bảo dưỡng cấu kiện gỗ và quét vôi nằm trong mục đích, nhiệm vụ của đơn vị. Nếu chúng tôi không làm thì không hoàn thành nhiệm vụ”.
Tuy nhiên, chi phí cụ thể không được vị Giám đốc này tiết lộ.
Đánh giá về việc phủ màu tại di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, đây là một hoạt động nghiệp vụ nhằm bảo tồn để tránh sự xuống cấp, không gây ảnh hưởng và là việc nên được ủng hộ.
“Ban đầu người ta chưa hiểu thì phải giúp người ta hiểu, theo tôi đây là việc nên làm”, Phó Chủ tịch Hội di sản Văn hóa Việt Nam nhận định.
Lấy ví dụ việc không duy tu bảo dưỡng dẫn đến việc hư hỏng ở một số di tích, ông Bài cho rằng: “Không thể để hỏng rồi mới xin Nhà nước chi kinh phí để tu bổ mà phải đề xuất, kiến nghị quy trình bảo dưỡng, duy tu…. Người dân đã công đức thì lấy tiền đó duy tu bảo dưỡng, không được chờ tiền Nhà nước ”.
Nhất Nam