Một nhà máy điện hạt nhân ở Hàn Quốc.
Nga giúp Ai Cập thực hiện giấc mơ xây nhà máy điện hạt nhân kể từ ngày 20/7, khi lò phản ứng đầu tiên được khởi công. Nhà máy này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2028, có 4 lò phản ứng VVER-1200 với tổng công suất 4.800 megawatt.
Giới chức Hàn Quốc ca ngợi hợp đồng ký kết với Nga, coi đây là thắng lợi trong ngành năng lượng hạt nhân của nước này. Hợp đồng được ký kết trong bối cảnh Mỹ và phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm buộc Nga ngừng chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Giới chức Hàn Quốc nói đã tham vấn Mỹ về thương vụ ký kết với Nga. Các công nghệ mà Seoul cung cấp trong dự án không nằm trong lệnh trừng phạt quốc tế mà Mỹ áp đặt với Nga.
Theo Văn phòng Tổng thống và Bộ Thương mại Hàn Quốc, nước này sẽ cung cấp một số vật liệu, thiết bị nhất định và giúp xây dựng công trình tuabin phục vụ nhà máy điện hạt nhân El Dabaa ở Ai Cập.
Nhà máy điện hạt nhân được đặt tại một thị trấn ven biển, cách Cairo khoảng 130km về phía tây bắc.
Choi Sang-mok, thư ký cấp cao phụ trách các vấn đề kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol nói Seoul đã giải thích với Washington về việc tham gia vào dự án El Dabaa và cam kết sẽ duy trì tham vấn chặt chẽ trong suốt quá trình thực hiện.
Sau khi Mỹ áp đặt trừng phạt Nga, Hàn Quốc đã ngừng giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga và các quỹ tài sản ở nước này, đồng thời cấm xuất khẩu các nguyên liệu chiến lược sang Nga.
Ông Choi khẳng định việc Hàn Quốc tham gia vào dự án không vi phạm lệnh trừng phạt Nga. "Tất cả các vấn đề đều đã được giải quyết và đó là lý do tại sao chúng tôi có thể hoàn tất thỏa thuận”, ông Choi nói.
Hàn Quốc kì vọng đây là bước đầu để nước này tham gia vào các dự án điện hạt nhân trong tương lai ở châu Phi, nâng cao cơ hội xuất khẩu công nghệ sang sang các nước như Cộng hòa Czech, Ba Lan và Ả Rập Saudi.
Công ty Thủy điện và điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) đã đàm phán với ASE, công ty con của tập đoàn Rosatom về dự án từ tháng 12/2021, trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra.
Go Myong-hyun, nhà phân tích cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul, nói thỏa thuận sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự chấp thuận của Washington, do các công nghệ mà KHNP cung cấp có thể có nguồn gốc từ Mỹ.
Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt với Nga hiện nay không bao gồm các vấn đề liên quan đến năng lượng hạt nhân.
Mỹ cũng không phản đối việc Nga xây nhà máy điện hạt nhân cho Ai Cập - quốc gia đối tác của Mỹ trong khu vực.
Đăng Nguyễn - SCMP