Tăng giờ làm thêm là đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội?
Là người đầu tiên đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đoàn TP. Hồ Chí Minh đặt một câu hỏi để bắt đầu bài phát biểu của mình: "Trước hết chúng ta phải thấy rằng làm thêm giờ xuất phát từ nhu cầu gì?"
Từ đó, bà Tâm bắt đầu đi trả lời câu hỏi mình đưa ra: “Xét về bản chất vấn đề và sự tiến bộ của xã hội thì rõ ràng nếu chúng ta đặt ra vấn đề tăng thêm giờ làm thi nó có vẻ đang đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội. Chúng ta cứ thử tính một năm người lao động làm bao nhiêu giờ và có bao nhiêu thời gian để nghỉ ngơi, phục vụ cho các nhu cầu khác như giải trí, xây dựng gia đình, chăm sóc con cái...”.
Nữ đại biểu TP.HCM, cho rằng, về bản chất công nhân cần làm thêm thay vì có nhu cầu làm thêm.
"Cần đề làm gì? Để tăng thu nhập bởi đồng lương hiện nay so với trang trải nhu cầu cuộc sống còn quá khó khăn, eo hẹp. Cho nên người công nhân cần có thu nhập thêm để trang trải cuộc sống. Như vâỵ đó có phải là nhu cầu của người công nhân không, tôi nghĩ rằng không!", bà Tâm nhấn mạnh.
"Xét ở trên góc độ đó, tôi nghĩ rằng Quốc hội phải đưa ra một chính sách làm sao người công nhân làm ít giờ nhưng lương và thu nhập tăng lên", bà Tâm cho biết thêm.
Về phía người sử dụng lao động, theo bà Tâm, người sử dụng lao động có một công nhân đầy đủ sức khỏe, tinh thần sảng khoái sẽ giúp năng suất lao động, chất lượng làm việc, chứ không phải nghĩ rằng vắt kiệt sức lao động mới là tốt.
"Có rất nhiều công nhân hàng chục năm không về thăm gia đình. Con cái phải gửi về quê để ông bà chăm sóc. Có chuyện gì mà xót xa hơn vậy không?", bà Tâm khẳng định.
“Hạnh phúc không phải bằng tiền, nhưng tiền rất quan trọng”
Sau phần phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (đoàn Hà Nội) lập tức giơ biển tranh luận. Theo đại biểu Thuấn, trong dự thảo Luật Lao động, việc làm thêm giờ là người lao động tự nguyên tham gia, chứ hoàn toàn không bắt buộc làm thêm giờ.
"Con người ai cũng có nhu cầu hạnh phúc, hạnh phúc đó không phải bằng tiền, nhưng tiền rất quan trọng. Do vậy bất kỳ người lao động nào cũng có quyền làm thêm giờ thêm việc để có thêm thu nhập, xây dựng xã hội tốt hơn. Đây là điều rất quan trọng", đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh.
Là đại biểu của tỉnh có hơn 1,2 triệu lao động, qua quá trình tiếp xúc lấy ý kiến, bà Trương Thị Bích Hạnh (đoàn Bình Dương) khẳng định tăng giờ làm thêm là nhu cầu có thực từ cả 2 phía: Người lao động và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp thông dụng lao động như giầy da, may mặc, chế biến gỗ....
Về phía người sử dụng lao động, đây là các đơn vị xuất khẩu phụ thuộc vào sản xuất, nên cần có sự linh hoạt trong bố trí sản xuất, dẫn tới sự thiếu hụt tạm thời về lao động.
Với phía người lao động, đây là khu vực có mức tiền lương thấp do chủ yếu sử dụng lao động phổ thông. Mức lương ở các doanh nghiệp này chỉ cao hơn mức lương tối thiểu vùng không đáng kể. Trong khi đó mức lương tối thiểu vùng chưa đáp ứng nhu cầu tổi thiểu của người lao động và gia đình.
"Tiền lương không đủ sống là nguyên nhân dẫn đến người lao động muốn làm và phải làm thêm giờ để đảm bảo cuộc cống và tích lũy", bà Hạnh khẳng định.
Theo bà Hạnh nếu không mở rộng khung giờ làm thêm, thì các doanh nghiệp vẫn tổ chức làm điều này. Điều này dẫn tới việc người lao động là người bị thiệt thòi khi phần lớn hưởng chế độ từ làm thêm thấp hơn quy định.
Đại biểu Hạnh đã đề xuất 3 giải pháp để dung hòa quyền lợi của người lao động, cũng như người sử dụng lao động trong nội dung tăng khung giờ làm thêm.
Thứ nhất, luật cần quy định thời gian làm việc tối đa không quá 44 giờ với người lao động trong khu vực doanh nghiệp.
Thứ hai, tăng tiền lương làm thêm giờ so với quy định hiện hành. Tăng thời gian làm thêm phải đi cùng với tăng lũy tiến với tiền lương với thời gian làm việc tăng thêm. Điều này khiến các doanh nghiệp hạn chế làm thêm giờ quá nhiều. Người lao động thì tăng thu nhập có tích lũy sẽ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động chăm sóc gia đình, chứ không vắt kiệt sức lao động để lo cho cuộc sống hiện nay.
Cuối cùng và cần phải làm ngay là tiền lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Băn khoăn việc mở rộng khung giờ làm thêm
Theo ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc), Đ108 quy định về làm thêm giờ, mở rộng khung thoả thuận làm thêm giờ tối đa không quá 400 giờ/năm. Tức là tăng 100 giờ/năm so với Bộ Luật lao động năm 2012.
Theo ông Tiến, phần lớn người lao động không muốn mở rộng khung làm thêm giờ. Tuy nhiên, một bộ phận đồng ý tăng giờ làm thêm để tăng thu nhập.
Thực tế nhiều năm qua, nhiều người lao động phải làm thêm và vượt giờ làm thêm rất nhiều. Do vậy, ông Tiến đồng tình với thoả thuận về giờ làm thêm trong trường hợp đặc biệt nhưng không quá 400 giờ/năm.
Dự thảo quy định số giờ làm thêm trong 1 ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường và số giờ làm không qúa 12h/ngày để tránh tình trạng tăng giờ làm thêm tập trung vào một số tháng liên tục trong năm, làm ảnh hưởng tới sức khoẻ của người lao động.
Từ đó, ông Tiến đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về tổng số giờ làm tối đa trong 1 tháng như Bộ luật Lao động năm 2012.
Về tiền lương làm thêm giờ làm việc vào ban đêm tại khoản 3, điều 99. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm được trả thêm bằng ít nhất 20% tiền lương của ngày làm việc bình thường. Ông Tiến đề nghị bỏ cụm từ “của ngày làm việc bình thường”.
Vì theo ông Tiến, làm thêm giờ vào ban đêm với ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết mà chỉ trả thêm ít nhất 20% theo công việc ban ngày của ngày làm việc bình thường là không hợp lý, mà phải trả theo công việc vào ban ngày của ngày ấy, nghĩa là làm thêm giờ vào ban đêm của ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết thì phải trả thêm ít nhất 20% theo công việc làm ban ngày của ngày nghỉ thì mới phù hợp.
Ông Tiến đề nghị trả lương làm thêm giờ từ giờ đầu tiên tới giờ thứ 200 theo một mức, làm thêm từ giờ 201 tới 400 giờ phải trả cao hơn còn mức trả cao hơn như thế nào tuỳ thuộc vào thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Bởi càng tăng giờ làm thêm thì sức khoẻ càng tiêu hao hơn, mức độ tiêu sức khoẻ tỉ lệ thuận với tăng thời gian làm thêm, mặt khác người lao động càng không có thời gian tái tạo sức khoẻ dẫn tới ốm yếu, đồng thời khắc phục tình trạng người sử dụng lao động không muốn tuyển dụng thêm lao động mới.
Công Luân - Hoàng Bích