Quốc hội đồng ý lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa

Quốc hội đồng ý lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 7, 23/11/2024 16:23

Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là cần thiết, tạo cơ chế để huy động thêm các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa.

Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm

Chiều 23/11, với đại đa số đại biểu có mặt biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, hôm nay là ngày Di sản Việt Nam, việc Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa chính là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội với việc bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc.

Trước khi biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Quốc hội đồng ý lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (Ảnh: Media Quốc hội).

Báo cáo về vấn đề thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hoá, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết: "Một số ý kiến nhất trí nhằm huy động nguồn lực hỗ trợ cho một số hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc không thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hoá. Có ý kiến đề nghị cho phép tổ chức tôn giáo thành lập Quỹ".

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), di sản văn hóa là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc.

Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm, bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, tuy nhiên kết quả còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Trên cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, UBTVQH đồng ý với đề xuất của Chính phủ về quy định thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa và đã được đa số ĐBQH nhất trí.

Việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa là cần thiết, tạo cơ chế để huy động thêm các nguồn lực xã hội hỗ trợ cho một số hoạt động thực sự cần thiết, có tính đặc thù trong bảo tồn di sản văn hóa nhưng ngân sách Nhà nước chưa thể đáp ứng được như: Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ bị mai một, thất truyền; mua, đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, tư liệu quý hiếm về di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...

Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác; ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí đối với các hoạt động của Quỹ.

Để bảo đảm phù hợp với điều kiện của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm.

Đồng thời, chỉnh lý bổ sung quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để xem xét, quyết định có hay không thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương.

Phân cấp phân quyền quản lý, bảo vệ di sản

Sau khi bổ sung, chỉnh lý, Luật Di sản văn hóa vừa được Quốc hội thông qua gồm 9 chương, 95 điều, tăng 2 chương, 22 điều so với Luật hiện hành (7 chương, 73 điều).

Luật Di sản văn hóa có nhiều điểm mới cơ bản đồng thời hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Luật cũng quy định về quản lý di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, xử lý di vật, cổ vật được phát hiện, giao nộp; quy định mua và đưa di vật, cổ vật có nguồn gốc Việt Nam từ nước ngoài về nước...

Hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa cũng được phân cấp, phân quyền trong luật.

Quốc hội đồng ý lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa- Ảnh 2.

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) (Ảnh: Media Quốc hội).

Cụ thể, quy định thẩm quyền xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích theo hướng: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với di tích cấp tỉnh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quyết định đối với di tích quốc gia; Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với di tích quốc gia đặc biệt.

Quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức hoặc ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện cắm mốc giới khu vực bảo vệ di tích...

Bên cạnh đó, Luật Di sản văn hoá còn nhấn mạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động sử dụng, khai thác di sản văn hoá, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hoá, chuyển đổi số, việc xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Luật Di sản văn hóa có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.