Theo Reuters, luật về thủ đô mới sẽ quy định cách thức quản lý và cấp ngân sách nhằm phát triển thủ đô mới. Đây là khung pháp lý cho siêu dự án đầy tham vọng, trị giá 32 tỷ USD của Tổng thống Indonesia Joko Widodo.
"Thủ đô mới có chức năng trung tâm và là biểu tượng cho bản sắc của quốc gia cũng như là một trọng điểm kinh tế mới", Bộ trưởng Kế hoạch Suharso Monoarfa nhấn mạnh.
Theo ông Monoarfa, Tổng thống Widodo đã chọn tên cho thủ đô mới là "Nusantara", trong tiếng Java có nghĩa là "quần đảo của Indonesia".
Trước đó, nhiều đời tổng thống Indonesia đã đề ra các kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta, một siêu đô thị sầm uất với 10 triệu dân trên đảo Java, luôn bị tắc nghẽn giao thông, lũ lụt và ô nhiễm không khí kinh niên. Song, cho đến ngày nay chưa có kế hoạch nào biến thành hiện thực.
Chính phủ Indonesia lần đầu công bố kế hoạch chuyển thủ đô khỏi đảo Java đông dân nhất đất nước vào tháng 4/2019. Vài tháng sau đó, Tổng thống Widodo công bố hai khu vực hành chính Bắc Penajam Paser và Kutai Kertanegara (thuộc tỉnh Đông Kalimantan) được lựa chọn là địa điểm đặt thủ đô mới của nước này.
Với diện tích khoảng 127.000km2, Đông Kalimantan là nơi sinh sống của hơn 3,7 triệu người. Việc khởi công dự án xây dựng trị giá hàng tỷ USD này ban đầu dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 8/2020, nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát buộc chính phủ phải trì hoãn kế hoạch này.
Indonesia lên kế hoạch xây dựng thủ đô mới như một "siêu trung tâm" phát thải lượng các-bon thấp, hỗ trợ sự phát triển của các lĩnh vực dược phẩm, y tế và công nghệ, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng bền vững bên ngoài đảo Java.
Nusantara sẽ nằm dưới sự quản lý của một nhà lãnh đạo có chức vụ tương đương bộ trưởng. Truyền thông địa phương đưa tin, trong số những người đang được cân nhắc cho vị trí này có cựu Bộ trưởng Nghiên cứu và Công nghệ Bambang Brodjonegoro và cựu Thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VietNamNet)