Quốc hội “nóng” chuyện tín nhiệm cao, thấp
Chiều 25/10, Quốc hội hoàn thành nội dung lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là người nhận được số phiếu tín nhiệm cao cao nhất (437). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng là người có số phiếu tín nhiệm cao nhất ở khối Chính phủ (393) và cũng là người đứng thứ hai với số phiếu tín nhiệm cao.
Hai Bộ trưởng là Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận phiếu tín nhiệm thấp cao nhất.
“Hầu hết công việc Bộ trưởng GD&ĐT đang giải quyết thời gian qua chỉ mang tính sự vụ. Vấn đề chiến lược, xoay chuyển tình hình chưa có. Tôi thấy lá phiếu ở Quốc hội hôm nay đã thể hiện rõ việc này", ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhận định.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nói: "Tôi cũng phải suy nghĩ. Mình vẫn chưa làm tốt công việc, phải cố gắng làm tốt hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhân dân giao".
Đánh giá về việc Bộ trưởng hai ngành có số lượng phiếu “tín nhiệm thấp” tương đối cao là giao thông và giáo dục, ĐBQH Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) cho rằng, thời gian qua hai ngành này có một số sự cố mà người dân, đại biểu Quốc hội quan tâm. Những sự cố này ảnh hưởng nhất định đến cái nhìn của đại biểu với tư lệnh ngành vào thời điểm này.
“Những chức danh có nhiều phiếu tín nhiệm thấp cũng phải tự răn mình, phải tự tìm ra nguyên nhân vì sao đại biểu lại đánh giá như vậy, tìm ra khâu yếu nhất, nút thắt để mình cần tự tháo gỡ trong thời gian tới", ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) chia sẻ.
Băn khoăn xử lý thu nhập tài sản tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc
Ngoài nội dung lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội thảo luận tại hội trường về luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
Đa số ý kiến phát biểu tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật sang khu vực ngoài Nhà nước để bảo đảm tính toàn diện của công tác phòng, chống tham nhũng, cũng phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự vừa mới thông qua về quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân đối với một số loại tội phạm trong đó như tội tham ô, tội nhận hối lộ, tội đưa hối lộ, và cũng phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và cam kết quốc tế mà nước ta là thành viên. Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc thêm đối tượng mà bị kiểm soát ở đây có thể là mở rộng thêm cả một số loại doanh nghiệp khác có quan hệ kinh tế, có biểu hiện sân sau như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu.
Về cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập ở Điều 30 của dự thảo. Đa số các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với quy định theo hướng giao cho thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ ngành, thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương, các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản thu nhập của người kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức mình để tăng cường một bước tính tập trung phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy của Nhà nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi.
Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mới nên có ý kiến đề nghị ngay cả phương án này cũng cân nhắc tính khả thi, nếu giao cho thanh tra tỉnh và Thanh tra Chính phủ thì liệu có bảo đảm được tính hợp lý khi kiểm soát một đối tượng lớn như vậy hay không? Cũng có ý kiến đề nghị nên thành lập một cơ quan chuyên trách để kiểm soát tài sản thu nhập như một số nước.
Về xử lý thu nhập tài sản tăng thêm, giải trình không hợp lý về nguồn gốc ở Điều 52 của dự thảo luật, đây là vấn đề có rất nhiều ý kiến khác nhau, kể cả việc trình Quốc hội lần thứ nhất, lần thứ hai, khi đưa ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng ý kiến rất khác nhau, nhiều chuyên gia cũng ý kiến khác nhau và đến phiên thảo luận hôm nay cũng vậy.
Đây là vấn đề Thường vụ Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội và đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cân nhắc thật kỹ, gửi lại cho Thường vụ Quốc hội để tập hợp, nghiên cứu và giải trình báo cáo với Quốc hội quyết định.
Phạm vi bí mật Nhà nước còn rộng
Thảo luận về luật Bảo vệ bí mật Nhà nước chiều 25/10, có 11 đại biểu đăng ký và phát biểu.
Đa số các vị đại biểu Quốc hội đã tán thành với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng dự thảo luật đã được nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội.
Đối với quy định về phạm vi bí mật Nhà nước. Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Dự thảo luật quy định, thông tin thuộc phạm vi bí mật Nhà nước phải là thông tin quan trọng chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Quy định 15 lĩnh vực để xác định bí mật Nhà nước. Việc chỉnh lí như dự thảo luật là phù hợp.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, phạm vi như vậy là rộng, không hợp lý, đề nghị rà soát để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp với quyền tiếp cận thông tin, tránh việc mật hóa gây khó khăn cho tổ chức cá nhân.
Các ý kiến cũng tập trung làm rõ về nhiều nội dung liên quan đến khái niệm phân loại bí mật Nhà nước, về ban hành danh mục bí mật Nhà nước và các hoạt động bảo vệ bí mật Nhà nước, liên quan đến việc quản lý, cung cấp, chuyển giao, thời hạn bảo vệ bí mật Nhà nước, việc tăng giảm, giải mật.
Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, Ủy ban thẩm tra phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này theo quy trình.