Kiểm tra khi tài sản tăng bất thường
ĐBQH Trịnh Ngọc Thúy (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, cần xây dựng luật Phòng, chống tham nhũng với chế tài nghiêm khắc của Nhà nước. Việc khuyến khích kê khai đầy đủ tài sản này là cơ sở để cơ quan, đơn vị theo dõi, thanh tra, kiểm tra khi thấy có tài sản tăng bất thường. Nếu có vi phạm cũng ngăn được tình trạng tẩu tán tài sản.
“Khuyến khích người có khả năng tham nhũng cao kê khai trung thực tài sản của mình và có cơ chế kiểm soát, xử lý đối với tài sản khi có vi phạm pháp luật cũng là bước tiến quan trọng. Mặt khác, chúng ta cần đổi mới cơ chế quản lý như thu thuế chặt chẽ, thanh toán thông qua ngân hàng chống thất thoát, nâng cao công tác phát hiện, xử lý nhanh, triệt để, hiệu quả các tin báo tố giác hành vi vi phạm pháp luật là giải pháp tốt để phòng, chống tham nhũng”, ĐBQH Trịnh Ngọc Thúy nêu.
ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang (tỉnh Nghệ An) đề xuất cần có quy định cụ thể về điều kiện, quy trình, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng. “Hiện nay theo Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự và luật Thanh tra đã quy định việc cấm giao dịch, phong tỏa, kê biên tài sản tham nhũng nhưng vẫn còn chung chung, tùy nghi. Vì vậy, trong thực tiễn rất ít áp dụng các biện pháp này, từ giai đoạn thanh, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử mà đa số vẫn đến giai đoạn thi hành án dân sự mới áp dụng.
Thực tiễn chứng minh cho đến giai đoạn thi hành án dân sự thì đa số tài sản đều đã được chuyển dịch và tẩu tán nên cần phải quy định cụ thể về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện các biện pháp ngăn chặn, tẩu tán tài sản ngay trong luật này. Việc này sẽ tạo hành lang pháp lý để các cơ quan yên tâm thực hiện, nâng cao trách nhiệm trong việc ngăn chặn tẩu tán tài sản và tránh tùy tiện trong thực hiện nhiệm vụ”, ĐBQH Hoàng Thị Thu Trang nói.
“Cần mở rộng thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản đối với các cơ quan thanh, kiểm tra trong xử lý vụ việc tham nhũng mà không có dấu hiệu hình sự. Tại khoản 2, Điều 67 dự thảo quy định việc thu hồi, tạm giữ, phong tỏa, sung công tài sản tham nhũng được thực hiện bằng quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu pháp luật hiện hành thì việc thu hồi tài sản tham nhũng khi có dấu hiệu hình sự chủ yếu là do các cơ quan tiến hành tố tụng như cơ quan điều tra, viện Kiểm sát Nhân dân, Thẩm phán là Chủ tọa phiên tòa và cơ quan thi hành án dân sự thực hiện. Còn đối với những vụ việc tham nhũng không có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan thanh, kiểm tra đa số không trực tiếp áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản mà chủ yếu kiến nghị, đề xuất các cơ quan. Nghiên cứu quy định hiện hành thì các cơ quan này chưa được quy định rõ, đây là một trong những trở ngại tạo cơ hội để tấu tán, chuyển dịch tài sản. Vì vậy, tôi đề nghị trong luật này mở rộng thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với cơ quan thanh, kiểm tra”, vị ĐBQH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh.
Kê khai tài sản phải thực chất
ĐBQH Lý Tiết Hạnh (tỉnh Bình Định) thì đề nghị xem xét cụ thể các quy trình trong việc kê khai tài sản cần phải chặt chẽ hơn, tránh tình trạng có những cán bộ, công chức trong các bảng kê khai hàng năm không thay đổi nhưng đều phải làm bản kê khai, trong khi đó có những trường hợp rõ ràng phát sinh tài sản nhưng việc kiểm soát, chúng ta không kịp thời và khi kê khai không rõ, có những trường hợp tẩu tán tài sản, hợp thức hóa tài sản với nhiều hình thức khác vẫn chưa kiểm soát được. “Đây là một nội dung rất quan trọng nên tôi muốn làm sao cho nó thực sự thực chất, hiệu quả, đúng và sát với tình hình thực tế”, ĐBQH Lý Tiết Hạnh nói.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (tỉnh Nghệ An) góp ý về nội dung này cho rằng, một trong những yêu cầu công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay là phải ngăn chặn được việc tẩu tán tài sản hoặc hạn chế được thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.
Theo ĐBQH Hiền, thực tế cho thấy mặc dù hoạt động thanh tra, kiểm toán đã phát hiện những hành vi vi phạm có liên quan đến tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nhưng kết quả thực hiện vẫn tập trung nhiều vào việc xác định mức độ vi phạm và việc áp dụng hình thức xử lý vi phạm hơn là ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản và thu hồi tài sản hoặc hạn chế thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.
"Theo báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng cho thấy tỷ lệ thu hồi sau thanh tra, kiểm toán và thông qua các hoạt động xét xử các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong thời gian vừa qua còn thấp và chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, hậu quả của hành vi tham nhũng gây ra cho Nhà nước, cho người dân, doanh nghiệp, xã hội là rất lớn nhưng hiệu quả phòng ngừa hoặc áp dụng các biện pháp khắc phục còn nhiều hạn chế. Đây là vấn đề cử tri và nhân dân hết sức bức xúc.
Tôi đề nghị, cùng với các quy định về xử lý hành vi tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm tra, thanh tra, kiểm toán tại Điều 63, Điều 70 của dự thảo luật, cần bổ sung các quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị”, ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền đưa quan điểm.