Vị ĐBQH đoàn TP.HCM dẫn chứng, thực tế tại các phiên chất vấn tại nghị trường, nhiều ĐBQH đặt câu hỏi chưa đi thẳng vào vấn đề. Câu hỏi nhưng đi cùng phần giải thích hơi dài dòng khiến mất thời gian. Số lượng ĐBQH đăng ký chất vấn nhiều, nhưng do thời gian có hạn nên nhiều ĐBQH không được chất vấn. Hiện nay, mỗi ĐBQH được đặt 2 câu hỏi và không quá 2 phút/lần.
Chính vì thế, việc rút ngắn thời gian chắc chắn khiến ĐBQH muốn chất vấn phải chọn lọc kỹ vấn đề. Theo ông Tuấn, việc đổi mới này sẽ giúp tăng số lượng ĐBQH được chất vấn.
“Theo tôi, việc thí điểm cách thức mới về chất vấn, trả lời chất vấn xem hiệu quả đến đâu sau đó có điểm gì chưa được sẽ điều chỉnh tiếp”, ĐB Trần Anh Tuấn nói.
ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng tỏ ra băn khoăn: Việc giới hạn thời gian chất vấn và trả lời chất vấn theo hướng rút ngắn xuống 1 phút hỏi với ĐBQH, 3 phút cho phần trả lời cho thành viên Chính phủ liệu có làm khó cho cả người hỏi, người trả lời?
Vị Ủy viên Thường trực ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phân tích: “Dù được coi là đổi mới nhưng thời gian ĐBQH chất vấn chỉ có 1 phút, các thành viên Chính phủ trả lời ngay trong vòng 3 phút khó có thể trả lời hết ý. Vì có câu hỏi, ĐBQH phải dẫn dắt nêu thực trạng, chứ không thể đi thẳng vào câu hỏi. ĐBQH hỏi như thế chưa chắc thành viên Chính phủ đã hiểu ý định câu hỏi là gì”.
Lý giải thêm cho lo lắng về việc giới hạn thời gian đặt câu hỏi quá ngắn của ĐBQH, ĐB Nhưỡng cho rằng, việc chất vấn và trả lời chất vấn này trước cử tri, quốc dân đồng bào theo dõi, nếu do ít thời gian mà co kéo lại quá ngắn thì chúng ta nên thêm thời gian, để phần hỏi và đáp có đầu có đuôi.
“Việc chất vấn và trả lời chất vấn thời gian phải đủ, phù hợp để đặt vấn đề, nói được thực trạng, có hướng giải quyết. Đặc biệt là các vị trưởng ngành cần phải trình bày được giải pháp để xử lý các vấn đề còn chưa tốt, gây bức xúc của ngành mình”, ĐB Nhưỡng nêu quan điểm.
Đối với các thành viên Chính phủ, theo ĐB Lưu Bình Nhưỡng, thời gian trả lời có thể từ 3 - 5 phút. Sau phần trả lời của các thành viên Chính phủ nếu ĐBQH không thấy hài lòng hoàn toàn có thể giơ biển tranh luận để chất vấn đến cùng.
"Tại kỳ họp thứ 4, nhiều ĐBQH đã giơ biển tranh luận khi phần trả lời của các thành viên Chính phủ chưa thuyết phục. Nên chắc chắn nếu thành viên Chính phủ nào trả lời không tốt sẽ phải trả lời tiếp", ĐB Nhưỡng nhấn mạnh.
Trước đó, theo thông tin từ Văn phòng Quốc hội, tại phiên họp thứ 22, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian 1 ngày để tổ chức phiên chất vấn với 2 thành viên Chính phủ.
Được biết, tại phiên chất vấn lần này, sẽ thí điểm việc “chất vấn và trả lời chất vấn ngay”. Theo đó, ĐBQH nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút/1 lần. Người bị chất vấn trả lời ngay câu hỏi của đại biểu không quá 3 phút/1 lần, nhằm làm cơ sở, rút kinh nghiệm cho việc thực hiện hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5 và thứ 6 sắp tới.