Trong cuộc bỏ phiếu kín sẽ diễn ra vào ngày 20/7, quyền Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe sẽ phải đối mặt với cựu Bộ trưởng Giáo dục Dullas Alahapperuma, người có sự ủng hộ của phe đối lập, và nhà lãnh đạo cánh tả Anura Dissanayake.
Theo hãng tin AFP, 3 ứng viên đã được các nhà lập pháp chính thức đề cử trong một phiên họp kéo dài dưới 10 phút tại tòa nhà quốc hội được bảo vệ chặt chẽ.
Người chiến thắng sẽ lãnh đạo một quốc gia vỡ nợ, đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ, trong khi 22 triệu người dân của đảo quốc này đang phải chịu đựng tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men trầm trọng.
Ông Rajapaksa đã bay đến Maldives và sau đó đến Singapore vào tuần trước và gửi đơn từ chức qua email cho Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka trong bối cảnh đảo quốc Nam Á ngày càng chìm sâu vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Ngay trước khi danh sách ứng viên Tổng thống được quốc hội Sri Lanka công bố, lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa đã rút lui và tuyên bố ủng hộ ông Alahapperuma, một thành viên bất đồng chính kiến trong đảng SLPP của ông Rajapaksa.
Các nguồn tin chính trị cho biết, ông Alahapperuma và ông Premadasa đã nhanh chóng đạt được một thỏa thuận rằng nếu ông Alahapperuma trúng cử Tổng thống, thì ông Premadasa sẽ trở thành Thủ tướng, và bộ đôi này sẽ làm việc để thành lập một chính phủ đoàn kết nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng kinh tế đang tàn phá đất nước.
Tuy nhiên, ông Wickremesinghe, 73 tuổi, một nhà điều hành chính trị kỳ cựu và 6 lần làm Thủ tướng, được sự hậu thuẫn chính thức của ban lãnh đạo SLPP, đảng lớn nhất trong quốc hội Sri Lanka gồm 225 thành viên.
Ông Dissanayake, 53 tuổi, là lãnh đạo của đảng cánh tả JVP, hay còn gọi là đảng Mặt trận Giải phóng Nhân dân, có 3 ghế trong quốc hội.
Nhà lãnh đạo mới sẽ nắm quyền trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, kéo dài đến tháng 11/2024.
Sinh viên và các nhóm khác có kế hoạch biểu tình vào ngày 19/7 để phản đối ông Wickremesinghe ra ứng cử Tổng thống. Người biểu tình Sri Lanka muốn ông Wickremesinghe cũng phải ra đi.
Trong khi đó, trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông Wickremesinghe cho biết, ông đặt mục tiêu ổn định nền kinh tế bị tàn phá của đảo quốc này vào cuối năm 2023. Ông cũng cáo buộc chính phủ của cựu Tổng thống Rajapaksa đã che đậy sự thật.
Văn phòng của ông Wickremesinghe cho biết, Sri Lanka gần như đã kết thúc các cuộc đàm phán với IMF, sau khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào tuần trước.
Các nhà lãnh đạo của đất nước đã áp đặt tình trạng khẩn cấp nhiều lần kể từ tháng 4, khi các cuộc biểu tình của công chúng diễn ra trên diện rộng nhằm phản đối cách chính phủ xử lý cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu sắc và tình trạng thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu.
Minh Đức (Theo The National News, NDTV)