Quốc hội thông qua dự án 1 luật sửa 7 luật về tài chính - ngân sách

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 6, 29/11/2024 15:36

Với đa số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án 1 luật sửa 7 luật liên quan đến tài chính - ngân sách với nhiều nội dung quan trọng, có lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Chiều 29/11, với 445/450 đại biểu tán thành, chiếm 92,9% tổng số đại biểu tham gia, Quốc hội đã chính thức thông quan Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia (1 luật sửa 7 luật).

Báo cáo giải trình trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho biết, trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, một số nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán độc lập liên quan đến các quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế liên quan đến các quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo Quốc hội xem xét bổ sung nội dung sửa đổi 2 Luật trên và sửa đổi tên gọi của dự thảo Luật này là "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính".

Quốc hội thông qua dự án 1 luật sửa 7 luật về tài chính - ngân sách- Ảnh 1.

Ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách (Ảnh: Media Quốc hội).

Về Luật Chứng khoán, trong quá trình thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán cũng như các ý kiến của ĐBQH phát biểu tại tổ và hội trường, có 2 nội dung còn có ý kiến nhiều chiều.

Đó là nội dung về báo cáo về vốn điều lệ và việc ngân hàng thương mại tham gia làm thành viên bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.

UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan, tiếp thu, chỉnh lý quy định về 2 nội dung này tại dự thảo Luật, theo hướng quy định trong luật mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý được thể hiện tại khoản 7, điểm b khoản 12 và khoản 18 Điều 1 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Về Luật Kiểm toán độc lập, trong quá trình thẩm tra nội dung sửa đổi, bổ sung có 2 nội dung còn có ý kiến nhiều chiều.

Cụ thể là về đơn vị được kiểm toán, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan giải trình, tiếp thu đầy đủ ý kiến ĐBQH theo hướng bỏ đối tượng "tổ chức khác có quy mô lớn phải kiểm toán báo cáo tài chính" để bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, đề nghị Chính phủ đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng để quy định tại dự thảo Nghị định về quy mô của doanh nghiệp phải kiểm toán bắt buộc hằng năm.

Về xử phạt vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở mức xử phạt hành chính, bảo đảm tính răn đe và chỉ nên tăng mức xử phạt tối đa gấp 2 lần so với hiện nay và thời hiệu xử phạt tối đa là 2 năm do nhu cầu về nhân sự kiểm toán còn thiếu so với quy mô thị trường.

UBTVQH thấy rằng đây là mức phạt tiền tối đa và chỉ áp dụng đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực kiểm toán chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, có thể xem xét quy định như tại dự thảo Luật để bảo đảm tính răn đe đối với doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên, nhất là thời gian vừa qua, xảy ra một số vụ việc doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp.

Quốc hội thông qua dự án 1 luật sửa 7 luật về tài chính - ngân sách- Ảnh 2.

Quốc hội đã thông qua dự án 1 luật sửa 7 luật liên quan đến tài chính - ngân sách chiều 29/11 (Ảnh: Media Quốc hội).

Về Luật Ngân sách Nhà nước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, sửa đổi điều này theo hướng giữ nguyên quy định hiện hành tại khoản 10 Điều 8 và thẩm quyền phân bổ nguồn dự phòng và tăng thu, tiết kiệm chi NSNN hằng năm theo quy định tại Điều 10, Điều 59 Luật hiện hành đối với chương trình, nhiệm vụ, dự án ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn và bổ sung quy định: "Chính phủ quy định trình tự, thủ tục đầu tư, thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đúng mục đích".

Về Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, UBTVQH đã đề nghị các Cơ quan rà soát kỹ lưỡng các nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan đến phân cấp, phân quyền để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH theo đó thu hẹp phạm vi đề xuất sửa đổi nội dung tại khoản 2 Điều 17 về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh và các nội dung liên quan đến thẩm quyền phê duyệt đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết.

Về quy định bổ sung hình thức xử lý tài sản công tại cơ quan Nhà nước "chuyển giao về địa phương quản lý". Một số ý kiến nhất trí bổ sung hình thức "chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý" theo đề xuất của Chính phủ; Một số ý kiến cho rằng không cần sửa đổi các điều, khoản này vì thực tế đang triển khai thực hiện và không có vướng mắc.

UBTVQH cho biết, việc bổ sung quy định này làm căn cứ để triển khai thực hiện hình thức chuyển giao tài sản về địa phương quản lý, xử lý.

Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung hình thức "chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý" và không Luật hóa các nội dung quy định cụ thể tại Nghị định.

Về sắp xếp lại nhà, đất theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công của DNNN, một số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo Luật, bổ sung cụm từ "Không phải thực hiện sắp xếp lại nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công"; Một số ý kiến cho rằng, việc sắp xếp nhà đất của doanh nghiệp là rất cần thiết, nếu bỏ quy định này tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn do không có Luật nào khác quy định việc sắp xếp lại nhà, đất của doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Chính phủ, việc sửa đổi, bổ sung quy định này sẽ không tạo ra khoảng trống pháp lý trong quản lý, sử dụng nhà, đất tại các DNNN. Theo đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép sửa đổi, bổ sung quy định này như nội dung thể hiện tại khoản 22 Điều 5 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Về Luật Quản lý thuế, để làm rõ ý kiến của ĐBQH, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát và khẳng định việc sửa đổi bỏ cụm từ "không có cơ sở thường trú tại Việt Nam" là phù hợp với xu hướng quốc tế, đảm bảo việc quản lý thuế hiệu quả, công bằng giữa các quốc gia.

Đồng thời tạo cơ sở, hành lang pháp lý để cơ quan thuế đôn đốc các nhà cung cấp ở nước ngoài "có cơ sở thường trú" đăng ký, khai, nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp ở nước ngoài, đảm bảo bao quát đầy đủ, mở rộng cơ sở thuế, chống thất thu thuế; nhất là, trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số.

Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép sửa đổi nội dung này thể hiện tại khoản 5 Điều 6 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Về quy định cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra, có ý kiến đề nghị xem xét để sửa đổi Điều 47 Luật hiện hành về bổ sung hồ sơ khai thuế để bảo đảm hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra hậu kiểm.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH và để chủ động phòng ngừa các hiện tượng tiêu cực, UBTVQH thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội bổ sung nội dung sửa đổi, bổ sung chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, theo hướng, bỏ quy định cho phép người nộp thuế được bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi đã có quyết định thanh tra, kiểm tra. Nội dung tiếp thu, chỉnh lý thể hiện tại khoản 6 Điều 6 dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.

Ngoài các vấn đề nêu trên, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến ĐBQH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Luật có 11 điều, bổ sung 2 Điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội đầu Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.