Theo đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Sau phần trình bày, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Kết quả biểu quyết có 469/469 đại biểu có mặt tại hội trường bỏ phiếu tán thành. Như vậy, từ kết quả biểu quyết này, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định CPTPP.
Sau khi Hoa Kỳ chính thức rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), 11 nước còn lại gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của Hiệp định TPP là Hiệp định CPTPP.
Hiệp định này, về cơ bản giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số ít các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.
CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại… mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước…