Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) của Trung Quốc đã bắt đầu phiên họp quốc hội thường niên, công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% cho năm nay.
Phiên họp, bắt đầu tại Bắc Kinh hôm 5/3, dự kiến cũng sẽ chứng kiến cuộc cải tổ chính phủ lớn nhất trong một thập kỷ ở quốc gia Đông Á này.
Trong bản báo cáo công tác, Thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) – người sắp rời nhiệm sở – cho biết, điều cần thiết là ưu tiên ổn định kinh tế và đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc ở mức “khoảng 5%”, một trong những mức thấp nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
Báo cáo cũng công bố mục tiêu tạo ra khoảng 12 triệu việc làm ở thành thị trong năm nay, tăng so với mức 11 triệu của năm ngoái.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc chỉ tăng 3% vào năm ngoái, một trong những thành tích tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, do tác động của 3 năm đại dịch Covid-19, khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản rộng lớn của nước này, việc chính quyền siết chặt quản lý các doanh nghiệp tư nhân, và nhu cầu về hàng xuất khẩu Trung Quốc suy yếu.
“Lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu đang mất đà, và những nỗ lực từ bên ngoài nhằm kiềm chế Trung Quốc đang leo thang”, Thủ tướng Lý cho biết trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp quốc hội Trung Quốc, dự kiến kéo dài đến ngày 13/3.
“Ở trong nước, nền tảng cho tăng trưởng ổn định cần được củng cố, cung không đủ cầu vẫn là một vấn đề rõ ràng, và kỳ vọng của các nhà đầu tư tư nhân và doanh nghiệp không ổn định”, ông Lý cho biết.
Chính phủ Trung Quốc cũng đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách là 3% GDP, theo báo cáo, mở rộng từ mục tiêu xấp xỉ 2,8% vào năm ngoái.
Ngoài ra, trong báo cáo công việc của mình, Thủ tướng Lý cho biết, các lực lượng vũ trang Trung Quốc cần tăng cường huấn luyện trong điều kiện chiến đấu và khả năng sẵn sàng chiến đấu, và ngân sách bao gồm mức tăng 7,2% cho chi tiêu quốc phòng trong năm nay, mức tăng lớn hơn một chút so với mức tăng 7,1% trong ngân sách năm ngoái, và một lần nữa vượt mức tăng trưởng GDP dự kiến.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 5%
“Mục tiêu GDP 5% nằm ở mức thấp hơn so với dự kiến. Điều đó có nghĩa là, thay vì các biện pháp kích thích tích cực, Bắc Kinh sẽ tập trung vào việc ổn định nền kinh tế”, phóng viên Katrina Yu của Al Jazeera cho biết khi đưa tin từ Bắc Kinh, đồng thời cho biết thêm rằng kinh tế là vấn đề được đưa ra đầu tiên và là trọng tâm của NPC Trung Quốc năm nay.
Theo Bloomberg, các nhà kinh tế đã kỳ vọng Trung Quốc đặt một mục tiêu tham vọng hơn là trên 5% sau khi chi tiêu của người tiêu dùng và sản lượng công nghiệp nước này phục hồi sau khi các hạn chế về coronavirus kết thúc. Và với mục tiêu tăng trưởng “khiêm tốn” như thế này, có khả năng nền kinh tế toàn cầu đang ốm yếu sẽ nhận được ít sự thúc đẩy hơn từ nền kinh tế số 2 thế giới.
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) – một trong những cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, 5% không phải là con số thấp khi nhìn vào kỳ vọng của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2023, đó là khoảng 2,7-2,9%. Có thể thấy rằng trong bối cảnh tình hình chung trên toàn cầu không sáng sủa, với tăng trưởng kinh tế của Mỹ được dự báo chỉ ở mức 0,5%, của Đức là 0,2% và nền kinh tế của Vương quốc Anh sẽ giảm 0,6%, thì mức tăng trưởng 5% của Trung Quốc vẫn là động cơ tăng trưởng mạnh nhất.
Còn theo một báo cáo riêng được đệ trình hôm 5/3 bởi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% “là cần thiết để đảm bảo tăng trưởng, việc làm và giá cả ổn định”
Báo cáo của NDRC – về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia năm 2022 và dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia năm 2023 – cho biết: “Đây sẽ là một tín hiệu tích cực đối với thị trường và sẽ củng cố niềm tin, định hướng kỳ vọng, mở rộng việc làm, cải thiện mức sống cũng như ngăn ngừa và xoa dịu rủi ro trong khi theo đuổi sự phát triển”.
Mục tiêu GDP năm nay cũng phù hợp với tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay và với khả năng của các nguồn lực và yếu tố sản xuất để hỗ trợ nền kinh tế, theo báo cáo.
“Đối với Trung Quốc, năm 2023 là năm phục hồi kinh tế”, ông Liu Shouying, Trưởng khoa Kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cho biết.
Ông Liu cho biết, mặc dù mục tiêu GDP hàng năm là tốc độ tăng trưởng phù hợp cần thiết để ổn định kỳ vọng và mở rộng kinh tế, nhưng nó cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển chất lượng cao.
Những động thái chính sách quan trọng
Bên cạnh các mục tiêu kinh tế, phiên họp thường niên của cơ quan lập pháp Trung Quốc (NPC) – kéo dài từ ngày 5/3 đến ngày 13/3 – sẽ bao gồm nhiều động thái chính sách quan trọng đối với sự phát triển của Trung Quốc.
NPC đã khai mạc vào một ngày sương mù trong bối cảnh an ninh được thắt chặt ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, với 2.948 đại biểu tập trung tại Đại lễ đường Nhân dân ở phía Tây của Quảng trường Thiên An Môn.
Đây là cuộc họp NPC đầu tiên kể từ khi Trung Quốc đột ngột từ bỏ chính sách zero-Covid cứng rắn hồi tháng 12 năm ngoái.
Trong khuôn khổ đại hội, NPC sẽ bỏ phiếu về kế hoạch cải cách các thể chế thuộc Quốc vụ viện (Nội các chính phủ Trung Quốc) và quyết định thành phần Nội các mới trong 5 năm tới vào ngày 10/3, và bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới thay ông Lý Khắc Cường vào ngày 11/3.
Một ngày sau đó, tức ngày 12/3, NPC sẽ quyết định một loạt Phó Thủ tướng, Ủy viên Quốc vụ viện, các Bộ trưởng cũng như Thống đốc mới cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.
Trong ngày cuối cùng của kỳ họp, tức ngày 13/3, NPC sẽ bỏ phiếu về ngân sách kiểm soát Covid-19 trị giá 170 tỷ Nhân dân Tệ (24,6 tỷ USD) cho năm nay, dù Trung Quốc đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế về đại dịch để chuyển sang giai đoạn sống chung với coronavirus.
Theo dự thảo ngân sách đã được trình lên cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cấp quận, sẽ nhận được các khoản tài trợ để thực hiện các hoạt động phòng ngừa và kiểm soát Covid-19.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, Xinhua)