Nghị định (NĐ) số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu (gọi tắt là Nghị định 94) quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.
Nghị định có hiệu lực từ 1.1.2013, nhưng qua khảo sát một số địa phương chuyên nấu rượu từ nam chí bắc, hầu hết đều không biết đến quy định này. Khi được phóng viên “phổ biến”, những người dân “làng cồn” (nơi chuyên sản xuất rượu) thậm chí còn bảo: “Quy định về làng cồn rồi cũng sẽ sớm... bay hơi thôi!”.
Bà Nguyễn Thị Tâm – chủ một cơ sở sản xuất rượu tại làng Tó (xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội) - nơi nổi tiếng với nghề làm rượu thủ công với lịch sử hàng trăm năm – vẫn đang say sưa cho đấu rượu cuối của ngày để kịp đến chợ, thản nhiên khi phóng viên phỏng vấn: “Mình làm thì bán cho người làng, chứ có xuất nhập khẩu gì đâu mà phải đăng ký. Với lại, nếu có quy định thì lấy ai ra mà kiểm tra, nên chúng tôi không quan tâm lắm đâu”. Cùng chung suy nghĩ với người dân tại làng Tó, ông Nguyễn Xuân Bình - chủ hàng rượu có tiếng tại thôn Đại Lâm, xã Tam Đa (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) - bảo: “Quy định này rất khó khả thi, bởi ai sẽ đứng ra quản lý nhãn mác?”.
Thậm chí đến một người có “chức sắc” như ông Phạm Ngọc Liệu - Chủ tịch UBND xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nơi có làng rượu truyền thống Chi Nê nổi tiếng – cũng hoàn toàn chưa biết đến NĐ94: “Tôi cũng chưa thấy có văn bản nào gửi đến hay thông báo gì. Trong ngày mai (ngày 28.12) tôi sẽ cho bộ phận văn phòng kiểm tra lại”.
Chủ tịch UBND phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng - ông Trần Văn Thành - ngớ người ra vì chưa từng nghe đến NĐ94. Ông Thành nói: “Chúng tôi chưa có bất cứ văn bản hay hướng dẫn thực hiện nào. Tất nhiên các tổ dân phố và cả các chủ hộ nấu rượu thủ công, cơ sở kinh doanh mua bán rượu... đều chưa biết đến những chính sách mới này của Nhà nước”.
Tương tự, ở miền Tây Nam Bộ như xã An Vĩnh Ngãi (TP.Tân An, tỉnh Long An), xã Phú Kiết (Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang), hầu hết những hộ sản xuất rượu thủ công cũng đều không biết đến quy định trên. “Lò” rượu của họ thật đơn giản, chỉ gồm vài cái nồi to, bồn chứa nước, vài mét ống dẫn... Mỗi ngày họ sản xuất vài chục lít rượu để tiêu dùng trong gia đình, họ hàng, chòm xóm. Tiền lời không đáng là bao, chủ yếu là được “hèm” nuôi heo. Họ khó mà đáp ứng các quy định mới về sản xuất, kinh doanh rượu.
Ông Đỗ Văn Tép – chủ lò rượu Tám Tép ở An Vĩnh Ngãi – cho biết, ông chưa từng được nghe nói về NĐ94 đã đành, thậm chí người con của ông là cán bộ xã cũng không biết gì. Khi biết để sản phẩm được một doanh nghiệp kinh doanh rượu nào đó mua, hộ sản xuất cần phải đáp ứng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế, PCCC, môi trường..., ông Tép ngao ngán lắc đầu: “Nếu vậy chắc tui nghỉ nấu, mình làm nhỏ lẻ làm sao đáp ứng được các quy định trên”. Cạnh đó, chủ “lò” Ba Tiến nói: “Cũng giống như đi xe không chính chủ, nếu nói mua mà chưa sang tên mới bị phạt, còn nói xe mượn thì đâu ai phạt. Mai này ai có hỏi, tui nói nấu rượu để trong gia đình dùng, không mua bán, chắc hổng bị phạt”.
“Làng cồn” liệu có “bay hơi”?
Ông Nguyễn Văn Hạnh - chủ sản xuất rượu thủ công tại làng rượu Chi Nê – tâm sự: “Quy định như NĐ94 có thể “giết chết” nghề rượu, vì có bao giờ chúng tôi nghĩ đến việc phải đăng ký cho một sản phẩm vốn chưa từng rời khỏi làng như rượu đâu”. Ông Nguyễn Văn Sự - người 3 đời nấu rượu ở Làng Vọc (xã Vụ Bản, huyện Bình Lục, Hà Nam) - lại đưa ra một lẽ khác: “Cũng nên xây dựng một thương hiệu rượu Việt nói chung, nên tôi cũng nhất trí với chủ trương thôi. Nhưng đùng cái bảo làm, thì thử hỏi ngang bằng với khai tử nghề rượu của chúng tôi”.
Ông Hoàng Đắc Tư - nguyên Chủ tịch UBND xã Tam Đa (Yên Phong, Bắc Ninh) - thì bảo: “Tôi cũng hay sang làng Đại Lâm mua rượu nên tôi biết, hầu hết rượu ở đây chỉ bán loanh quanh trong vùng, hoặc khá lắm thì qua tay mấy gã chợ đen rồi ra ngoài chứ bảo mong chờ tương lai từ nghề rượu như vậy thì còn xa lắm”.
Làng Vân (thôn Vân Xá, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang), nghề nấu rượu đã trở thành một nghệ thuật cùng với những bí quyết mà ông tổ nghề của làng truyền lại được các thế hệ sau này nối truyền và đưa tiếng thơm của rượu đến với tửu khách khắp các vùng. Tuy nhiên, tiếng là vậy, nhưng đến nay cả làng cũng chỉ có khoảng chục gia đình là có đăng ký sản xuất và có giấy chứng nhận, số còn lại hầu hết vẫn sản xuất nhỏ lẻ và chưa có điều kiện để đăng ký thương hiệu.
Giới hạn của NĐ ban hành thì không phân chia ranh giới, vùng miền, mà một số không nhỏ làng quê, thôn, bản vùng cao cũng gắn với nghề làm rượu thủ công và đa số là không có đăng ký sản xuất: Rượu ngô Bản Phố (xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) do người Mông sản xuất, rượu Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) do dân tộc Dao sống trên đỉnh Mẫu Sơn chưng cất... Bởi vậy, việc áp dụng NĐ94 lúc này cũng không khác nào đòi nghề rượu nơi đây phải tự... khai tử! Ở những địa phương mà phóng viên khảo sát, nếu đi kiểm tra và xử phạt theo quy định thì gần như 100% hộ gia đình nấu rượu thủ công đều vi phạm.
Rồi thì xử phạt sao đây? Nói như ông Huỳnh Hùng - một tổ trưởng dân phố ở Hoà Vang (Đà Nẵng): “Sẽ rất khó quản lý, kiểm soát những hộ nấu rượu quy mô nhỏ. Họ sẽ “tắt bếp”, phi tang dụng cụ khi có đoàn kiểm tra rồi lén lút nấu sau đó. Theo tôi là không nên cấm mà phải kiểm soát, buộc họ tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, nhãn hiệu hàng hóa, phòng, chống cháy nổ...”.
Theo Lao động