Những ngày qua, việc tranh cãi về trang phục nặng đến gần nửa tạ (44kg) đang trở thành "hàng nóng" ở các diễn đàn. Bộ trang phục này sẽ được Siêu mẫu Việt Nam 2015 Dương Nguyễn Khả Trang mang đi thi Hoa hậu siêu quốc gia.
Nó gây tranh cãi bởi số cân nặng đạt kỷ lục, gần nửa tạ. Nhiều người đã nói vui rằng, cô siêu mẫu này phải có sức khỏe của một vận động viên cử tạ mới có thể vừa mang trên mình bộ trang phục siêu nặng vừa thả dáng và vừa cười tươi với ban giám khảo.
Không chỉ gây sốc về số cân nặng, bộ trang phục này còn có thiết kế khá rườm rà, với tổng chiều cao gần 4m và đuôi áo dài hơn 3,5m, sải cánh 2m. Hàng loạt các chi tiết từ sen vàng đến cha rồng, mẹ tiên rồi áo váy của các cô gái Đông Sơn, Thổ cẩm trang trí trải dài từ mũ nón đến chân và đuôi váy… tất cả đều được gói gọn vào bộ trang phục mà Khả Trang mang đến Hoa hậu siêu quốc gia.
Công bằng mà nói, việc dám đưa các chi tiết đáng tự hào của dân tộc vào bộ trang phục là một ý tưởng táo bạo của nhà thiết kế Lê Long Dũng. Chia sẻ với báo giới, nhà thiết kế này cho biết mình sẵn sàng tiếp thu lời khen chê từ dư luận.
Khi nói về trang phục truyền thống, người Việt thường nghĩ ngay đến áo dài, áo tứ thân, áo bà ba, nón quai thao,... Đây là những trang phục gắn liền với đời sống của người Việt bao đời này. Tuy nhiên, chỉ có áo dài được coi là quốc phục. Vậy nên, chuyện Lê Long Dũng tự gọi bộ trang phục nặng gần nửa tạ của mình là quốc phục phải chăng đang khoác tự chiếc áo quá rộng cho bản thân.
Nhìn vào các chi tiết bộ trang phục, nếu không có những lời giải thích về việc lấy cảm hứng chỗ này, chỗ kia thì hẳn nhiều người thấy Khả Trang đang mặc trang phục của một trò game nào đó. Ý tưởng của nhà thiết kế là tốt nhưng nó quá rối mắt và không phải ai cũng hiểu được cả một thế giới nghệ thuật hay lịch sử hàng ngàn năm được anh gửi vào đó.
Vẫn biết trong các cuộc thi hoa hậu quốc tế, phần trình diễn trang phục dân tộc là một thi quan trọng vì góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa quốc gia. Tuy nhiên, nếu ôm quá nhiều và “nhét” tất cả vào một trang phục như vậy hoàn toàn không ổn chút nào.
Nhìn lại các cuộc thi, chúng ta đều nhận thấy đại diện của mỗi quốc gia thường chỉ chọn một hình ảnh tiêu biểu của đất nước để đưa vào trang phục. Đơn cử như trong cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2015, Hoa hậu Thái Lan đã nhận được nhiều lời khen khi khoác lên mình chiếc váy lấy cảm hứng từ xe tuk tuk hay đại diện Braxin trở thành vũ công samba nổi tiếng…
Vậy bộ trang phục Khả Trang sẽ mặc tại Hoa hậu siêu quốc gia lần này quảng bá cho đặc trưng gì của Việt Nam? Khó có thể có được câu trả lời chính xác bởi có quá nhiều thứ người ta phải “luận giải” trên bộ trang phục này.
Việc truyền tải văn hóa tới bạn bè các nước trên thế giới không chỉ cần tâm huyết, chân thành mà còn phải biết cách.
Trần Phương
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả