Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 do Thủ tướng chủ trì sáng 3/3, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Vốn FDI đăng ký cao gấp 2,8 lần cùng kỳ
Theo Bộ trưởng, tháng 2 và 2 tháng đầu năm tình hình phát triển kinh tế đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.
Mặc dù so với cùng kỳ, lạm phát tăng cao những tháng cuối năm 2022, nhưng 2 tháng đầu năm 2023 lạm phát đã được kiểm soát ở mức phù hợp.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 2/2023 tăng 4,31%, thấp hơn CPI tháng 1/2023 (tăng 4,89%); bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (mục tiêu cả năm theo Nghị quyết Quốc hội là khoảng 4,5%). Với sự nỗ lực, phấn đấu, khả năng cả năm sẽ kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội giao.
Triển khai chương trình phục hồi và phát triển, đến nay đã giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt hơn 81.100 tỷ đồng. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất cho vay bắt đầu có xu hướng giảm; thanh khoản hệ thống ngân hàng được bảo đảm; điều hành tỉ giá phù hợp với diễn biến thị trường, đáp ứng nhu cầu ngoại tệ trong nước.
Thu ngân sách Nhà nước 2 tháng ước đạt 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thu nội địa đạt 23,6% dự toán, tăng 17%. Cán cân thương mại tháng 2 ước xuất siêu 2,3 tỷ USD, tính chung 2 tháng xuất siêu 2,82 tỷ USD.
Vốn FDI đăng ký cấp mới có tín hiệu tích cực, 2 tháng đạt 1,76 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần cùng kỳ năm 2022. Hoạt động sản xuất, kinh doanh tích cực, sức cầu tiêu dùng trong nước tăng cao, các hoạt động kinh tế nhanh chóng trở lại bình thường sau Tết…
Chính phủ tiếp tục tháo gỡ rào cản về quy định cho các ngành, lĩnh vực; bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật, nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, nhất là về đất đai, tổ chức tín dụng, chuyển đổi số, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ người tiêu dùng...
Triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, vùng Đồng bằng Sông Hồng; hoàn thiện cơ chế điều phối, phát triển vùng, triển khai Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển Tp.HCM.
Phát triển văn hóa tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. Trong tháng, các lễ hội đầu xuân diễn ra an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi; nhiều chương trình, hoạt động nghệ thuật, chính trị ý nghĩa, kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2); 80 năm ra đời Đề cương Văn hóa Việt Nam…
Ngành giáo dục tập trung bảo đảm tiến độ chương trình, nội dung năm học 2022-2023; tích cực chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện chế độ, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo để kịp thời có giải pháp bảo đảm đời sống giáo viên.
Ngành y tế tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác. Quốc phòng an ninh được bảo đảm. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, nhất là công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại; kịp thời triển khai lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ, góp phần nâng cao quan hệ đối tác song phương, hình ảnh Việt Nam; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế…
Phản ứng chính sách kịp thời, chủ động
Với kết quả nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt mức cao.
Cụ thể, IMF kỳ vọng Đông Nam Á sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, với 5 nền kinh tế lớn nhất trong đó có Việt Nam; Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng GDP đạt 7,2%... Nhiều tổ chức, ngân hàng quốc tế như WB, IMF, ADB, UOB, Standard Chartered… tiếp tục đánh giá cao Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu nước nước ngoài.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, khó khăn, thách thức ngày càng gia tăng. Do tác động của tình hình thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… gặp nhiều khó khăn, thách thức. Sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các thị trường và kiểm soát lạm phát tăng cao. Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.
Tình hình đó yêu cầu cần có các giải pháp điều hành chủ động, quyết liệt, chính xác, kịp thời và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng hơn, phù hợp với diễn biến tình hình để không làm tăng thêm và hóa giải các khó khăn, thách thức, tận dụng thời gian, cơ hội phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Từ đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất, toàn diện, nhất quán các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội; Nghị quyết số 01 của Chính phủ, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Chỉ thị số 03/ của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán;
Phản ứng chính sách kịp thời, chủ động trước các yếu tố rủi ro, tình huống mới phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định, an toàn các thị trường tài chính, tiền tệ; phối hợp chặt chẽ, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%); thực hiện 3 đột phá chiến lược, các định hướng lớn….