Trong những năm 2000, các bộ phim Hàn Quốc trở thành món ăn tinh thần được khán giả truyền hình yêu thích, nhiều diễn viên trở thành thần tượng của giới trẻ. Cùng với những bộ phim này, văn hóa ẩm thực Hàn Quốc cũng dần du nhập, rồi trở nên phổ biến và một trong những món Hàn được người Việt yêu thích chính là BBQ. Để có được món BBQ ngon chuẩn Hàn thì việc đầu tiên cần chú ý chính là chọn nguyên liệu đúng cách.
Ông Park Sang Kyung, bếp trưởng tại nhà hàng thịt nướng Hàn Quốc Sajang BBQ cho biết, để món BBQ chuẩn Hàn, điều cần phải thực hiện “chuẩn chỉ” ngay từ đầu chính là việc lựa chọn nguyên liệu. Thịt bò và thịt heo là 2 loại thịt căn bản không thể thiếu trong bữa tiệc BBQ của người Hàn. Mỗi loại thịt sẽ có những phần được lựa chọn khác nhau để có thể đem lại hương vị riêng cho thực khách mỗi khi thưởng thức.
Theo bếp trưởng Park, miếng thịt để người Hàn Quốc cho lên mâm nướng phải là những phần thịt có lượng mỡ xen kẽ vào các thớ thịt, được cắt với độ dày vừa phải, để khi nướng lên, mỡ sẽ tan ra, ngấm vào thớ thịt, làm miếng thịt mềm và mọng hơn.
Một yếu tố tiên quyết khác là vấn đề bảo quản. Thịt bò và thịt lợn phải đảm bảo luôn tươi, ngon và được bảo quản đúng quy chuẩn về nhiệt độ, từ lò mổ cho đến bàn tiệc.
“Lửa là một trong những yếu tố quan trọng cần lưu ý khi nướng thịt. Không được dùng lửa quá lớn khiến miếng thịt nhanh khô, hãy nướng và lật từ từ trên lửa vừa phải. Người Hàn nhận biết thịt chín chính là khi có độ cháy xém nhẹ. Và khi cắt ra, bên trong miếng thịt vẫn còn giữ độ ẩm", bếp trưởng Park chia sẻ.
Người Hàn Quốc chuộng thịt nướng ăn kèm với kim chi và đây được xem như “cặp đôi vàng" không thể thiếu của ẩm thực Hàn. Vì kim chi là thực phẩm lên men tự nhiên, có tác dụng chống vi khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa,…
“Đối với người Hàn Quốc, kim chi có lẽ là món ăn ‘nhắm mắt cũng có thể làm được’, bởi lẽ công thức đã được truyền nối từ nhiều thế hệ. Thế nhưng ở những quốc gia khác, đây là một món ăn có thể làm khó họ ở một khâu nào đó. Và khâu lựa chọn các nguyên liệu chuẩn, đảm bảo là một trong những điều kiện cần và đủ để đảm bảo bạn không bị vướng mắc ở một khâu nào hết", bếp trưởng Park chia sẻ.
Khi chọn nguyên liệu, cần lưu ý những cây cải thảo tươi, lá cải thảo phải xanh và mỏng để nhanh ngấm sốt, những lớp lá già bên ngoài nên bỏ đi. Khi muối cải, có thể cắt đôi hoặc chia làm tư, xát muối thật kĩ từng lá một, dùng nhiều muối hơn ở phần thân trắng và ít dần trên lá xanh.
Sau khi ngâm ngập trong nước muối và lấy thớt gỗ nặng đè lên trong 2-5 tiếng, cần rửa kỹ kim chi với nước nhiều lần trước khi ướp sốt để làm giảm độ mặn của cải thảo. Những lá cải thảo khi được muối đủ thời gian sẽ trở nên mềm, dẻo, không bị gãy khi gập đôi.
Gia vị để ướp kim chi thường sẽ phụ thuộc vào khẩu vị của mỗi gia đình, thông thường sẽ bao gồm củ cải trắng, cà rốt, tỏi, bột ớt, hành tây, gừng… Một mẹo nhỏ được bếp trưởng Park lưu ý trong hai bước muối và ướp kim chi chính là luôn để ngửa cải thảo để gia vị không bị rơi rớt ra ngoài, từ đó tăng độ đậm đà của thành phẩm. Thông thường, kim chi có thể để ở nhiệt độ phòng từ 1-2 ngày để lên men nhanh, hoặc bảo quản tủ lạnh trong một tuần.
Nếu như kim chi được ví như quốc thực của người Hàn Quốc thì rượu Soju chính là quốc túy của vùng đất này. Vì vậy, với người Hàn Quốc, món nướng sẽ không thể “tròn vị” nếu thiếu rượu Soju.
Hà Nam (t/h)