Quá khứ vinh quang
Chỉ vài bước chân là Vượng có thể từ nhà bước ra sân Vinh nổi tiếng của CLB SLNA. Bởi sống gần đại bản doanh của những danh thủ nổi tiếng xứ Nghệ và bản thân bố anh, ông Lê Văn Quang cũng là một cầu thủ có tiếng nên Vượng được tiếp cận với bóng đá từ nhỏ. Mới 13 tuổi, cầu thủ sinh năm 1984 này đã được đưa vào lớp năng khiếu của CLB SLNA và không lâu sau đó, anh ghi tên tuổi.
Tạo được dấu ấn trong tập luyện, Vượng được cử đi thi đấu ở nhiều giải trẻ trong màu áo SLNA. Mới 19 tuổi, tiền vệ này đã gần như có đầy đủ mọi danh hiệu ở các giải trẻ quốc gia với đội bóng xứ Nghệ. Tất nhiên, tài năng của Vượng đã lọt vào mắt xanh của những người cầm quân các ĐTQG lúc bấy giờ.
Quốc Vượng trong những lần trò chuyện với phóng viên
Ở SEA Games 22 tổ chức ở Mỹ Đình, Vượng là tiền vệ trung tâm không thể thiếu của U.23 Việt Nam. Lối chơi hiện đại cùng những đường chuyền sắc sảo đã làm nên thương hiệu của cầu thủ xứ Nghệ. Thời điểm ấy, Vượng được so sánh với một tiền vệ rất nổi tiếng lúc này ở Đông Nam Á, đó là Thonglao (Thái Lan), người sau này được bầu Đức trải thảm đưa về HA.GL. Chiếc HCB mà U.23 Việt Nam có được ở kỳ đại hội thể thao Đông Nam Á năm ấy, có dấu ấn rất lớn của cầu thủ khoác áo SLNA này.
Sau thành công cùng các ĐTQG, Vượng trở về với CLB SLNA và trở thành một trong những trụ cột quan trọng, khi những lứa đàn anh như Hữu Thắng, Phi Hùng, Sỹ Thủy, Sỹ Sơn, Quang Trường đã có dấu hiệu tuổi tác và rút lui vào hậu trường. Năm 2005, Vượng chơi ấn tượng trong màu áo CLB và cả các ĐTQG và nếu như không bị lôi kéo rồi cầm đầu vụ cá độ ở SEA Games 23 thì nhiều khả năng, Qủa bóng vàng Việt Nam năm ấy, khó tuột khỏi tay Vượng.
Thử thách và đầu hàng
Vụ bán độ gây chấn động ở SEA Games 23 đã lấy đi của Vượng rất nhiều. Không chỉ phải vào tù, mất hết danh dự mà sự nghiệp của tiền vệ này cũng bị gián đoạn khá dài. Tuy nhiên, những ngày tháng ở trại giam, như tâm sự của Vượng, anh nhận ra nhiều giá trị và biết trân trọng hơn cuộc sống.
Ra tù vào năm 2008, Vượng tỏ ra quyết tâm và thực sự, thời điểm ấy, có rất nhiều CLB muốn cưu mang anh. Lựa chọn rất nhiều rồi Vượng cũng đồng ý gia nhập Thể Công, nơi đã để ý, quan tâm và giúp đỡ Vượng rất nhiều kể từ khi anh còn ở trong trại giam. Tuy nhiên, bởi khát khao dẫn đến nôn nóng, Vượng bị chấn thương nặng khi chủ động xin vào sân trong một trận đấu của Thể Công ở V.League 2009. Hậu quả là Vượng phải ra nước ngoài điều trị và mất luôn mùa giải năm đó.
Đen đủi tiếp tục đeo bám khi kết thúc mùa giải ấy, Thể Công giải thể và cái sườn của đội bóng chuyển vào cho Thanh Hóa. Vượng không nằm trong kế hoạch của đội bóng xứ Thanh và sau này, trải qua rất nhiều những nhùng nhằng, anh mới được tự do. Mặc dù vậy, thời điểm ấy, Vượng vẫn rất có giá và không ít đại gia sẵn sàng vung tiền để chiêu mộ. Đắn đo thế nào rồi Vượng chấp nhận gia nhập Xuân Thành Hà Tĩnh của bầu Thụy với cái giá 5 tỷ đồng. Mặc dù hô hào rất lớn nhưng sau khi thất bại ở giải hạng Nhì mùa giải năm ấy, bầu Thụy cũng nản, rồi sau đó chuyển luôn đội bóng vào tận Sài Gòn.
Vượng lại bơ vơ và một thời gian dài, anh lao vào cuộc chiến đòi quyền lợi và giải phóng hợp đồng với bầu Thụy. Giữa mùa giải 2011, Vượng được ông chủ của Sài Gòn Xuân Thành giải phóng cho 3 tháng để tìm đội bóng mới nhưng sau khi thử việc ở CLB BĐ Hà Nội của bầu Kiên và bị HLV Nguyễn Thành Vinh lắc đầu, tiền vệ này lại phải thất vọng vác ba lô về xứ Nghệ.
Đầu mùa giải 2012, bằng những mối quan hệ của mình, Quốc Vượng gia nhập Thanh Hóa với rất nhiều niềm tin về sự hồi sinh. Trong những trận đấu đầu tiên của mùa giải, Vượng luôn đá chính và giành được nhiều tình cảm từ bầu Đệ và HLV Triệu Quang Hà. Nhưng dần dần, không hiểu vì lý do gì, Vượng được ra sân ít hơn và hết giai đoạn 1, với lý do vi phạm kỷ luật, Vượng bị bầu Đệ thanh lý hợp đồng sớm.
Chán nản và thất vọng, Vượng quay về Vinh và tìm niềm vui ở các sân bóng phủi. Cũng tranh thủ thời điểm không có công ăn việc làm, Vượng cưới vợ để hy vọng tạo ra bước ngoặt cho sự nghiệp. Có tổ ấm riêng, Vượng có thêm nhiều động lực để phấn đấu. Gác lại những tranh chấp về quyền lợi với Thanh Hóa, Vượng vào CLB SLNA gặp TGĐ Nguyễn Hồng Thanh để xin đá không công cho đội bóng xứ Nghệ.
Trong cơn khủng hoảng tài chính, đề xuất của Vượng được rất nhiều người ủng hộ. Một thời gian tập cùng SLNA, Vượng tỏ ra rất tiến bộ và nhiều người cho rằng, tiền vệ này sẽ có suất ở đội bóng xứ Nghệ mùa giải tới. Tuy nhiên, khi mọi thứ đang tốt đẹp như vậy thì vợ anh trở dạ sinh non. Gác lại đam mê, anh khăn gói ra Hà Nội chăm vợ con suốt mấy tháng trời. Tập luyện bị gián đoạn và thời gian này, SLNA cũng thành công trong việc giữ chân các trụ cột nên không còn tỏ ra mặn mà với Vượng. Và nhân việc bầu Đệ dọa kiện Vượng ra tòa vì xù nợ, SLNA cũng tỏ luôn thái độ và đôi bên chia tay nhau.
Quốc Vượng trong 1 trận đấu
Tương lai mờ mịt
Không tìm thấy cơ hội ở đội bóng xứ Nghệ, Vượng quyết định giải nghệ. Theo anh, đó cũng là cách tốt nhất để có thể tập trung tốt hơn, chăm lo cho gia đình. Tiền vệ này chia sẻ, anh vẫn còn bùng cháy đam mê nhưng giờ với anh, bóng đá không còn là thứ duy nhất. Anh vẫn còn đó gia đình nhỏ của mình, cậu con trai và người vợ cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Vượng quyết định chuyển sang kinh doanh với hy vọng có nhiều điều kiện hơn để lo cho gia đình của mình. Tết vừa rồi, Vượng dành hết thời gian cho vợ con. Anh cho biết, phải cho tâm hồn thật thảnh thơi trước bước ngoặt quan trọng của sự nghiệp.
Sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Vượng đầu tư thời gian đi chùa thắp hương và thăm bạn bè. Với quan điểm có kiêng có lành, Vượng mong một năm thành công khi bóng đá bây giờ đã ở lại phía sau lưng.
Thực tế, nói là giải nghệ sẽ chuyển sang kinh doanh nhưng đến tận bây giờ, những người thân cận nhất cũng không biết, Vượng đã và sẽ làm gì. Vượng tự tin mình có nhiều mối quan hệ bạn bè có thể hỗ trợ anh nhưng nên nhớ, cũng vì bạn bè và những mối quan hệ xã hội phức tạp mà trong sự nghiệp chơi bóng, Vượng đã mất rất nhiều.
Thời gian vừa rồi, người ta lại thấy Vượng vác giày ra sân phủi đá bóng. Rời xa bóng đá đỉnh cao nhưng đam mê với trái bóng tròn chắc chắn chưa hết và Vượng còn bị lôi kéo nhiều, nhất là khi bóng đá phủi thành Vinh cũng lắm những cuộc chiến khốc liệt. Nếu cứ sống mãi với đam mê kiểu này thì rất khó để Vượng tập trung 100% cho công việc nuôi sống gia đình.
Rồi nữa, bầu Đệ chắc chắn cũng không để cho Quốc Vượng yên. Món nợ 330 triệu mà phía Thanh Hóa cho rằng, Vượng cần phải trả sẽ bị họ đòi đến cùng. Nếu nay mai, đơn kiện được gửi đến TAND Thành phố Vinh thì khi ấy, mọi thứ với Vượng còn đau đầu hơn nhiều. Một hai cho rằng, mình không sai nhưng khi đã kéo nhau ra tòa thì những hệ lụy kéo theo là khó lường.
Sau bóng đá, những thử thách tiếp theo vẫn đang chờ đón Vượng và hy vọng rằng, mọi thứ không đen đủi như trước và bản thân Vượng cũng bản lĩnh hơn để vượt qua tất cả.
Mong muốn giải nghệ để thảnh thơi làm những việc khác có ích cho gia đình nhưng có vẻ như với Vượng, những liên quan với trái bóng tròn là khó dứt. Đó cũng là điều nhiều người lo cho Vượng, bởi dù là người tốt, sống có nghĩa khí, nhưng nhược điểm là bốc đồng có thể khiến Vượng nhiều khi không còn đủ bình tĩnh để giải quyết khôn ngoan mọi việc. |
Kim Thoa