Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29, 30/6/2023. Cụ thể, ngày 27/6, các thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi. Ngày 28 và 29/6 tổ chức thi. Ngày 30/6 là ngày thi dự phòng.
PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho biết, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ GD&ĐT vẫn chịu trách nhiệm phần việc khó nhất là xây dựng ngân hàng đề và ra đề thi. Còn địa phương chịu trách nhiệm tổ chức thi.
Cũng theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, từ tháng 3 đến cuối tháng 6 thời gian còn rất dài, vì vậy các em học sinh hoàn toàn có đủ thời gian để ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Những điểm mới quy chế thi tốt nghiệp THPT 2023
Theo VOV, Ngày 24/3 Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 06/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp trung học phố thông, trong đó có những điểm mới đáng chú ý.
Thứ nhất, theo quy chế mới vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chỉ, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí. So với quy chế trước đây, thí sinh không còn được mang các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu - điều quy định hiện hành cho phép.
Thứ hai, tại mỗi khu vực in sao đề thi, coi thi, làm phách bài thi tự luận, chấm thi, phúc khảo của Hội đồng thi phải bố trí 1 (một) điện thoại cố định có loa ngoài đặt tại phòng làm việc chung/phòng trực bảo đảm an ninh, an toàn. Chỉ sử dụng chức năng nghe, gọi của điện thoại đề liên lạc với Hội đồng thi, Ban Chỉ đạo thi các cấp; mọi liên lạc qua điện thoại đều phải bật loa ngoài để nghe công khai, đều phải ghi nhật ký và phải có sự chứng kiến của ủy viên làm nhiệm vụ giám sát… Tại khu vục coi thi, chấm thi, phúc khảo của Hội đồng thi, không được sử dụng các thiết bị thu phát thông tin. Tại mỗi khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo, Hội đồng thi phải bố trí các vật dụng để lưu giữ thiết bị thu, phát thông tin của những người đang thực hiện nhiệm vụ ở đó; các vật dụng này phải được niêm phong dưới sự chứng kiến của công an và phải được bảo quản tại địa điểm an toàn trong suốt thời gian của mỗi buồi làm việc.
Thứ ba, người soạn thảo đề thi và phản biện đề thi là công chức, viên chức ngành Giáo dục hoặc các viện nghiên cứu; giảng viên cơ hữu, giáo viên cơ hữu đang công tác tại các cơ sở giáo dục. Mỗi bài thi/môn thi có một Tổ ra đề thi gồm Tổ trưởng và người soạn thảo đề thi, phản biện đề thi.
Thứ tư, Bộ GD&ĐT quy định, phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa khóa, lãnh đạo Ban Chấm thi và công an. Chìa khóa cửa các phòng chứa bài thi do lãnh đạo các Ban Chấm thi giữ; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi tự luận do thư ký Hội đồng thi làm nhiệm vụ tại Ban Chấm thi tự luận giữ; chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi trắc nghiệm do Tổ trưởng Tổ thư ký Ban Chấm thi trắc nghiệm giữ. Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm bài thi tự luận, nơi thực hiện nhiệm vụ của Ban Thư ký Hội đồng thi và Tổ Thư ký Ban Chấm thi tại khu vực chấm thi phải có các thiết bị phòng chống cháy, nỗ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng liên tục 24 giờ/ngày; có công an bảo vệ, giám sát liên tục 24 giờ/ngày. Khi đóng, mở phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi và tủ, thùng hoặc các vật dụng chứa túi bài thi phải có sự chứng kiến của lãnh đạo Ban Chấm thi, công an và ghi nhật ký đầy đủ.
Thứ năm, về cách thức làm phách, Bộ GD&ĐT quy định, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định phương thức làm phách. Số phách được sinh ngẫu nhiên từ phần mềm máy tính, bảo đảm mỗi bài thi (số báo danh) tương ứng với duy nhất 1 (một) số phách. Việc gieo phách chỉ được thực hiện trong khu vực cách ly dưới sự chứng kiến của người làm nhiệm vụ giám sát do Giám đốc Sở GD&ĐT điều động.
Thứ sáu, về nhập điểm bài thi tự luận: Tổ nhập điểm bài thi tự luận theo hai vòng độc lập, mỗi vòng do một nhóm khác nhau thực hiện trên phần mềm Hỗ trợ chấm thi. Khi nhập điểm, phải có ít nhất 03 người tham gia: 1 người đọc, 1 người nhập vào phần mềm và 1 người giám sát, kiểm tra.”
Thứ bảy, sau khi chấm thi xong tất cả các môn, Chủ tịch Hội đồng thi duyệt kết quả thi, báo cáo và nộp toàn bộ dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT để lưu trữ và đối chiếu. Dữ liệu kết quả thi phải lưu vào 2 đĩa CD giống nhau, được niêm phong và lập biên bản niêm phong dưới sự chứng kiến của công an; 1 đĩa giao cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ, 1 đĩa bàn giao cho Bộ GD&ĐT.
Thứ tám, về chấm phúc khảo bài thi tự luận: Mỗi bài thi tự luận do hai cán bộ chấm thi chấm phúc khảo theo quy định và phải được chấm bằng mực có màu khác với màu mực được dùng chấm trước đó trên bài làm của thí sinh. Trong khi tiền hành các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ hai thành viên của Ban Phúc khảo bài thi tự luận trở lên.
Vẫn băn khoăn nếu đơn giản thủ tục
Về tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ cải tiến kỹ thuật so với năm trước để đơn giản hóa với thí sinh. Cơ sở đào tạo đại học lưu ý công việc tuyển sinh lặp lại hằng năm nhưng với thí sinh, năm nào cũng là lần đầu, cũng là mới. Do đó phải rất thận trọng và tư vấn, truyền thông thật kỹ cho thí sinh.
Một trong những dự kiến điều chỉnh kỹ thuật trong tuyển sinh năm 2023 được Bộ GD&ĐT đưa ra là thí sinh không phải đăng ký mã phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển. Điều chỉnh này khiến một số chuyên gia tuyển sinh băn khoăn về tính khả thi.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp.HCM, cho rằng, điều chỉnh của Bộ GD&ĐT giúp thí sinh giảm thiểu sai sót trong quá trình đăng ký xét tuyển. Ví dụ, thí sinh muốn đăng ký tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh) nhưng đăng ký nhầm sang tổ hợp D07 (Toán, Hóa, Anh). Theo ông Sơn, nhầm lẫn này ghi nhận xảy ra hằng năm.
“Nhiều khi thí sinh không biết phương thức xét tuyển nào lợi hơn, không biết tổ hợp môn nào lợi hơn khi xét tuyển, nhưng máy tính biết hết và xử lí cho thí sinh. Thí sinh chỉ cần chọn ngành, trường xét tuyển thế là xong, phần mềm sẽ làm hết cho thí sinh”, ông Sơn nói. Tuy vậy, hạn chế của điều chỉnh này là làm cho thí sinh thụ động trong cách thức ứng xử với cái mà đáng lẽ ra mình phải biết, phải lựa chọn cho đúng phương thức xét tuyển và tổ hợp môn xét tuyển.
Bên cạnh đó, ThS Nguyễn Quang Trung, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Thương mại, nói rằng điều chỉnh này đơn giản thủ tục đăng ký cho thí sinh nhưng với nhiều trường, thí sinh rất có thể sẽ bị thiệt thòi. Ông Trung lấy ví dụ tại Trường Đại học Thương mại, năm 2023 có 5 phương thức xét tuyển. Nhà trường xét học bổng cho sinh viên dựa theo kết quả của mỗi phương thức. Theo đó, những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển 1 phương thức thì điều chỉnh của Bộ GD&ĐT không ảnh hưởng đến quyền lợi xét học bổng. Nhưng những thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển từ 2 phương thức trở lên, khi đó, hệ thống của Bộ lựa chọn 1 phương thức trúng tuyển phù hợp nhất, nhưng phương thức này, thí sinh không được học bổng mà phương thức không được hệ thống lựa chọn thí sinh mới đủ điều kiện nhận học bổng. Khi đó, thí sinh sẽ bị thiệt.
Như vậy với điều chỉnh của năm nay, nhiều chuyên gia lo ngại, rất có thể lại xảy ra tình huống thí sinh trúng tuyển nhầm. Vì nếu thí sinh chỉ được phép đăng ký đến mã ngành, trong khi có những ngành học có nhiều chuyên ngành, hệ thống tự sắp xếp cơ hội trúng tuyển, thí sinh sẽ trúng tuyển vào chuyên ngành không mong muốn. Ví dụ, ngành Công nghệ thông tin có nhiều chuyên ngành như Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Bảo mật… khi đó, thí sinh muốn học chuyên ngành này nhưng hệ thống sắp xếp lại cho trúng tuyển chuyên ngành kia.
Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm 2022
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Chương, định hướng ra đề thi của Bộ GD&ĐT giữ nguyên như năm 2022, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, sẽ tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học.
"Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023 dự kiến giữ ổn định như năm 2022, đồng thời, có sự tăng cường hợp lý một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn, để từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình giáo dục phổ thông 2018", ông Chương nói.
Trúc Chi (t/h)