Quy chuẩn biển báo hiệu giao thông 41:2019/BGTVT có hiệu lực vào ngày 1/7 tới quy định rõ: Biển hiệu lệnh là biển báo cho người tham gia giao thông biết các điều bắt buộc phải chấp hành.
Quy chuẩn cũng chỉ ra khái niệm về biển chỉ dẫn là loại biển để chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần thiết giúp người tham gia giao thông trong việc điều khiển phương tiện và hướng dẫn giao thông trên đường được thuận lợi, đảm bảo an toàn.
Đáng lưu tâm, Quy chuẩn 41:2019/BGTVT cũng quy định một số biển chỉ dẫn được chuyển sang thành nhóm biển hiệu lệnh bắt buộc phải tuân thủ. Trong đó, đáng chú ý là các loại quy định về phân làn và gộp làn đường. Nếu tài xế vi phạm các biển này sẽ bị CSGT xử phạt. Mức phạt được quy định cụ thể tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Biển phân làn đường cho từng loại xe R.412
Để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết có làn đường dành riêng cho từng loại xe nhoặc nhóm xe riêng biệt, đặt biển số R.412 (a,b,c,d,e,f,g,h). Mỗi làn đường chỉ dành riêng cho 1 hoặc 1 nhóm xe, phương tiện khác không được phép đi vào làn đường đó.
Biển được đặt phía trên làn xe, ở đầu đường theo chiều xe chạy. Tùy loại phương tiện, nhóm phương tiện cần quy định mà bố trí hình vẽ, biểu tượng các phương tiện tương ứng và mũi tên trên biển cho phù hợp và đảm bảo mỹ quan. Các loại xe khác không được đi vào làn đường có đặt biển này trừ các xe được quyền ưu tiên.
Điều 22 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, những xe sau đây được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới theo thứ tự:
- Xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ.
- Xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường.
- Xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu.
- Xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
- Đoàn xe tang.
Riêng với biển số R.412e “Làn đường dành cho xe buýt”, nếu vạch sơn phân làn dành cho xe buýt có dạng nét đứt, các xe khác có thể đi vào làn xe này, nhưng phải ưu tiên cho xe buýt (phải nhường đường, chuyển sang làn khác để không ảnh hưởng đến việc vận hành của xe buýt). Trường hợp vạch sơn phân làn dành cho xe buýt là nét liền, các phương tiện khác không được đi vào làn đường dành cho xe buýt.
Khi đến gần nơi đường bộ giao nhau, xe được phép chuyển làn để đi theo hành trình mong muốn. Việc chuyển làn phải thực hiện theo đúng các quy định.
Cũng trong nhóm biển R412, tài xế cần lưu ý một số biển báo hiệu hết các đoạn đường dành riêng cho các phương tiện cơ giới, về thiết kế tương tự như nhóm biển trên, nhưng có thêm vạch đỏ từ phía trên bên phải gạch chéo xuống phía dưới bên trái của biển.
Biển gộp làn đường theo phương tiện R.415
Biển R.415 dùng để báo hiệu cho người tham gia giao thông biết số lượng làn đường và loại xe được phép lưu thông trên từng làn đường theo quy định.
Tùy theo tình hình thực tế về số lượng làn đường và ý đồ tổ chức giao thông mà sử dụng các ký hiệu phương tiện trên các làn cho phù hợp và biển số R.415 chỉ là một trường hợp.
Biển đặt bên đường hoặc treo trên cột cần vươn. Biển này chỉ áp dụng với những đoạn đường có 2 đến 4 làn đường cho mỗi hướng lưu thông.
Biển R.415 không áp dụng với các xe chuyển làn để ra/vào hoặc dừng đỗ bên đường. Biển R.415 không cấm xe rẽ phải, rẽ trái để ra, vào cổng nhà hoặc ngõ, ngách, hẻm hoặc lối ra vào cơ quan, đơn vị trên đoạn đường có hiệu lực của biển.
Ngoài ra, khi sử dụng biển này phải kết hợp với vạch sơn phân chia làn đường phù hợp và thống nhất, trong trường hợp đến gần nơi đường bộ giao nhau, xe được phép chuyển làn để đi theo hành trình mong muốn và việc chuyển làn phải thực hiện theo đúng các quy định.
Đi sai làn đường bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người tham gia giao thông không đi đúng làn đường, phần đường của mình sẽ bị phạt:
- Đối với xe ô tô:
Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 10 đến 12 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
- Đối với xe máy:
Phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng.
Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 4 đến 5 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
- Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng:
Phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng; tước giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng.
Trường hợp đi không đúng làn đường, phần đường gây tai nạn giao thông thì bị phạt tiền từ 6 đến 8 triệu đồng; tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
- Đối với xe đạp, xe đạp máy, xe đạp điện:
Phạt tiền từ 80.000 đến 100.000 đồng.
Hoàng Mai