Phố hàng Mã những ngày cận Trung thu luôn tập nập khách mua hàng, cả dãy phố sang rực bới những món đồ phục vụ cho ngày Tết cổ truyền này.
Quần áo, khuôn mặt thần chết xuất hiện khắp các cửa hàng
Rùng mình những khuôn mặt quỷ
Những đồ chơi mang tính bạo lực như súng ống, dao kiếm và những hình người kinh dị… được ưu tiên trưng bày bắt mắt ở các cửa hàng đồ chơi. Phố Lương Văn Can, phố Hàng Mã vốn nổi tiếng là nơi bán đồ chơi trẻ em lậu nay nhưng các cửa hàng hầu như chỉ bán đồ chơi ngoại, có xu hướng bạo lực.
Bên cạnh những mặt hàng đồ chơi cho thiếu nhi, phố Hàng Mã cũng có nhiều loại sản phẩm hướng đến giới trẻ.
Những mặt hàng được giới trẻ quan tâm như: mặt nạ giả da người, tai thỏ bông, gọng kính, vương miện, mặt nạ lông vũ... hầu hết có nguồn gốc từ Trung Quốc và có giá dao động 15.000–40.000 đ/sản phẩm, tùy loại.
Hàng năm nay được mua nhiều nhất là các loại chuỳ được gọi là "chuỳ địa ngục” làm bằng cao su, có nhiều kích cỡ khác nhau với gai nhọn ở đầu, tuỳ từng loại mà những chiếc chuỳ này có giá từ 30.000 – 60.000 đồng.
Mặt nạ kinh dị cũng là mặt hàng được các bạn trẻ ưa chuộng. Mặt hàng này có giá từ khoảng 50.000-130.000 đ/chiếc. Mặt nạ ác quỷ nửa trắng nửa xanh rất hút khách, giá khoảng 40.000 đồng - 50.000 đồng/chiếc. Bộ đồ chơi gồm mặt nạ và kính kinh dị có giá bán 65.000 đồng. Bộ găng tay nắm đấm Hulk khổng lồ xanh được khá nhiều em nhỏ yêu thích, tuy nhiên, giá bán được chủ hàng đưa ra khá đắt 105.000 đồng/bộ.
Mặt quỷ dạ xoa xuất hiện với 2 màu kinh dị
Anh Bình – một chủ cửa hàng nói: “Lượng đồ bán cho giới trẻ năm nay có phần nhỉnh hơn năm ngoái. Xược sừng hươu, mặt nạ, mũ miện... là sản phẩm được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn để làm phụ kiện chụp ảnh. Đặc biệt, gọng kính bán rất chạy, chỉ trong một buổi chiều nay cửa hàng tôi đã bán được khoảng 50 cái”.
Vừa nhanh tay lựa những bộ tóc giả nhiều màu sắc, Nguyễn Hà (sinh viên Đại học Hà Nội) cho biết: “Bọn em mua cho cả nhóm 7 đứa để mấy hôm nữa đi chơi Trung thu đeo cùng nhau cho vui, bây giờ thì dùng làm phụ kiện chụp ảnh”.
Theo bác Thương – một người bán hàng trên phố Hàng Mã thì trong những ngày này bán được vài trăm sản phẩm/ngày là một điều quá… bình thường.
Hầu hết khách hàng không biết và không quan tâm nhiều đến xuất xứ sản phẩm, “thấy con đòi mua, nhìn cũng đẹp thì mua về cho chơi thôi, chơi vài ngày rồi vứt ấy mà. Cũng biết đây là đồ Trung Quốc nhưng không ăn vào người, không sử dụng thường xuyên nên chắc cũng chẳng độc hại gì đâu”, chị Miên (Chùa Bộc, Hà Nội) thờ ơ nói.
Một vài người khác cũng có câu trả lời tương tự, trong khi rất ít người nói rằng họ xem xét kĩ tem nhãn, nguồn gốc đồ chơi trước khi mua cho con.
Đồ chơi dân gian bị thế giới thây ma lấn áp
Khác với cảnh tấp nập mua bán tại các sạp hàng đồ chơi ngoại nhập, đồ chơi dân gian truyền thống và các mặt hàng đồ chơi khác được sản xuất trong nước như trống cơm, đèn ông sao, đầu lân… vốn đã quen thuộc với giới trẻ trong dịp Trung thu lại trở nên đìu hiu.
Một chiếc đầu nâu kinh dị xuất hiện trong các cửa hàng
“Hầu hết bây giờ phụ huynh đi mua quà cho con đều đưa con theo cùng và đa số đều chọn những đồ chơi súng ống, gươm đao, chứ không thích ông sao, đèn lồng… Vì nhu cầu thực tế đó mà cửa hàng mình nhập hàng truyền thống rất hạn chế”, chị Lành - chủ cửa hàng ở phố Hàng Mã cho biết.
Ở phố Hàng Mã, các mặt hàng đồ chơi truyền thống cũng được bày bán khá nhiều nhưng sức tiêu thụ thì có phần lép vế so với các mặt hàng đồ chơi khác. Mặc dù giá cho những đồ chơi này là khá rẻ: 20.000 đồng/chiếc trống, 10.000 đồng/đèn ông sao, mặt nạ chú Cuội 25.000 đồng/chiếc, đầu lân 35.000 - 45.000 đồng/chiếc, trống bỏi có giá từ 3.000-5.000 đồng/ chiếc , tuy nhiên, lượng mua không nhiều.
Cụ Thiêm - người bán trống bỏi cho biết: "Tôi mang đi khoảng 200 cái trống, nhưng cả ngày bán cũng chỉ được khoảng 50-60 cái”.
Giá mỗi chiếc đầu lân được sản xuất trong nước dao động từ 40.000 đến 250.000 đồng, tùy kích thước. Tuy nhiên, các chi tiết của sản phẩm này còn khá thô, dễ bong, rách, hình thức chưa thật bắt mắt.
“Đồ chơi dân gian đường dán còn ẩu, độ bền kém, mẫu mã cũng không mấy bắt mắt nên trẻ nhỏ không mấy ưa thích. Trong khi các gian hàng chuyên bán đồ Trung Quốc ngày bán cả vài trăm cái thì gian hàng đồ dân gian của tôi ngày nhiều nhất cũng chỉ bán được gần trăm cái. Cứ tình hình này, có khi năm sau cũng phải chuyển sang kinh doanh các loại mặt hàng Trung Quốc”, một chủ gian hàng chuyên bán đồ chơi dân gian chia sẻ.
Những khuôn mặt oan hồn ma nữ lạnh lẽo trong các gian hàng
Bệnh tật rình rập từ những đồ chơi lòe loẹt.
Đeo thử một chiếc mặt nạ hình quỷ làm bằng cao su lên mặt, PV không khỏi lợm giọng, khó chịu vì mùi hóa chất nồng nặc từ món đồ chơi này.
Một chị khách hàng đứng cạnh nói nhỏ với PV: “Đừng mua mấy loại đồ độc hại này. Hôm trước lên đây chơi, cháu nhà tôi cũng đòi mua mặt nạ hình quỷ để chơi với mấy đứa trẻ gần nhà. Mua về, sau khi đeo mặt nạ vào, sau một hồi chạy nhảy với các bạn, tôi thấy mặt cháu loè loẹt phẩm màu quét trong mặt nạ và thấy cháu kêu nhức đầu sổ mũi. Cháu ốm mấy ngày liền nên tôi không cho cháu chơi nữa…”.
Theo một bác sỹ tại Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Tuy đồ nhựa và hoá chất trong nhiều đồ chơi nhựa không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể hoặc chưa gây nguy hại tức thời, nhưng vẫn phải cảnh báo những chất độc hại có trong các loại nhựa hoá chất dẻo dùng để sản xuất đồ nhựa nói chung và đồ chơi trẻ em nói riêng.
Trong khi đó, theo những nghiên cứu của Tổ chức Hòa Bình Xanh, nhiều đồ chơi do Trung Quốc sản xuất chứa hàm lượng hóa chất cao, có khả năng gây ra các dị tật về cơ quan sinh dục ở trẻ em. Rất nhiều những sản phẩm có chứa phthalates – một loại hóa chất vô cùng độc hại, sẽ can thiệp vào hormon của con người và ảnh hưởng tới bộ phận sinh sản và các dị tật về cơ quan sinh dục ở trẻ em, có thể dẫn đến trục trặc nội tiết, gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, thậm chí là vô sinh cho trẻ.
Những khuôn mặt quái dị cùng nhiều loại tóc giả cũng được bày bán công khai
Theo quy định, kể từ ngày 15/4/2010, các loại đồ chơi trẻ em ở VN phải có dấu chứng nhận hợp quy CR, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em thì mới được phép lưu hành. Nhưng thực tế ở Hà Nội, các loại đồ chơi bày bán trên thị trường chủ yếu là hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng sản phẩm. Rõ ràng, việc kiểm soát, xử lý mặt hàng này đang bị các cơ quan chức năng “thả nổi”!
Ngô Duyên - Văn Tùng