Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đưa ra một báo cáo vào năm 2013 trong đó ghi rõ có 500.000 mảnh vỡ do con người và thiên nhiên tạo ra đang quay quanh quỹ đạo của Trái Đất. Cơ quan Dịch vụ Dữ liệu, Thông tin và Vệ tinh Môi trường Quốc gia của Mỹ (NESDIS) thì đưa ra khẳng định rằng những mảnh rác vũ trụ này có thể rơi xuống Trái Đất.
NESDIS cho biết: “Trung bình mỗi năm có tổng số khoảng 200 đến 400 vật thể bay vào tầng khí quyển Trái Đất”. Phần lớn những mảnh vỡ này đã bị bốc cháy trước khi rơi xuống Trái Đất do lực ma sát quá lớn khi va chạm với khí quyển. Nhiều mảnh vỡ khác lại vô tình rơi xuống đại dương nên chúng tắt ngúm rồi chìm nghỉm.
Có khoảng 20.000 mảnh rác vũ trụ mang kích thước lớn hơn quả bóng chày và được theo dõi bởi NASA cùng Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó có 1.000 mảnh vỡ từ tàu vũ trụ. Để mô tả tình trạng rác vũ trụ này, năm 2014 NASA đã chiếu một phim hoạt hình cho thấy Trái Đất đang bị bao quanh bởi một đám mây gồm toàn rác.
Đám mây này liên tục di chuyển và liên tục mở rộng gây nên mối nguy hiểm với Trái Đất nói chung và với các vệ tinh, kính viễn vọng không gian, trạm vũ trụ quốc tế đang hoạt động nói riêng. Để khắc phục tình trạng trên, các nhà khoa học đã đưa ra các giải pháp để giảm bớt và di chuyển rác vũ trụ chẳng hạn mô hình lưới, dây buộc, nam châm vũ trụ khổng lồ,...
Những quốc gia thải nhiều rác ra vũ trụ nhiều nhất là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Nhật, Ấn Độ,… theo số liệu được đưa ra bởi Business Insider. Trở ngại lớn nhất trong việc đưa ra giải pháp dọn rác vũ trụ quanh Trái Đất hiện nay là các quốc gia và tổ chức không được phép chạm vào vệ tinh hoặc tàu vũ trụ của nhau. Do đó, điều cần thiết nhất là các nước phải có một hiệp ước chung quy định về việc loại bỏ các vật thể bay trong không gian.