Quy định áp dụng chế độ, chính sách đặc thù sau sắp xếp huyện, xã

Hoàng Thị Bích

Hoàng Thị Bích

Thứ 4, 12/07/2023 19:14

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua về nguyên tắc Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Các trường hợp thuộc diện sắp xếp

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 24, chiều 12/7 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiến hành xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo Nghị quyết nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2025 hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định;

Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Đến năm 2030, hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn lại có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 100% quy định;

Đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 30% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Đối thoại - Quy định áp dụng chế độ, chính sách đặc thù sau sắp xếp huyện, xã

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Bà Trà cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều, quy định 06 nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp, gồm: tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số; tiêu chuẩn chất lượng đô thị;

Tiêu chuẩn số lượng đơn vị hành chính trực thuộc. Trình tự, thủ tục, hồ sơ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 được xây dựng theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, để bảo đảm quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính đô thị, nhất là đơn vị hành chính đô thị có quy mô lớn được nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, minh bạch, căn cứ yêu cầu tại Nghị quyết số 595 và Thông báo số 2292, dự thảo Nghị quyết quy định trường hợp thành lập, nhập các đơn vị hành chính đô thị cấp huyện hoặc nhập huyện vào đơn vị hành chính đô thị cùng cấp thì phải lập thành đề án riêng theo quy định của Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Về sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, để kịp thời sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, dự thảo Nghị quyết quy định trong quá trình xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính thì UBND cấp tỉnh và các Bộ, cơ quan Trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đồng thời lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý;

Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định về việc áp dụng chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp, cụ thể:

Người dân tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách như trước thời điểm sắp xếp. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được áp dụng chế độ, chính sách với mức cao nhất của một trong các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trước khi thực hiện sắp xếp.

Trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nghị quyết của UBTVQH về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, UBND cấp tỉnh tiến hành rà soát, công nhận theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận các chế độ, chính sách đặc thù đối với đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.

Về kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, dự thảo Nghị quyết quy định kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do ngân sách địa phương bảo đảm;

Đồng thời, ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần cho các địa phương nhận bổ sung cân đối với định mức 20 tỷ đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp huyện giảm và 500 triệu đồng cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã giảm khi được UBTVQH quyết định việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2030.

Tạo cơ sở pháp lý tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, tạo cơ sở pháp lý tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

Đối thoại - Quy định áp dụng chế độ, chính sách đặc thù sau sắp xếp huyện, xã (Hình 2).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Nghị quyết về phạm vi các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp; các trường hợp không bắt buộc sắp xếp đơn vị hành chính do có yếu tố đặc thù và các nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính vì đã quán triệt đầy đủ chủ trương tại các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị.

Ủy ban Pháp luật cũng cơ bản tán thành với quy định các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo quy định, trừ trường hợp nhập từ 3 đơn vị hành chính cùng cấp trở lên hoặc có yếu tố đặc thù mà không thể nhập, điều chỉnh thêm với đơn vị hành chính cùng cấp khác...

Để triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã phù hợp với từng giai đoạn 2023 - 2025 và 2026 - 2030. Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định trong Kế hoạch này trách nhiệm cụ thể của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp để việc tổ chức thực hiện Nghị quyết được đồng bộ và thuận lợi.

Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua về nguyên tắc đối với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.