Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, chiều nay (21/5), Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Kiến trúc. Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc, trong đó có nhiều nội dung được bổ sung sửa đổi.
Ý kiến trái chiều xoay quanh phạm vi điều chỉnh luật
Về phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1), đa số ý kiến ĐBQH tán thành phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật trình Quốc hội. Theo đó, Luật Kiến trúc quy định về quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc. Một số ý kiến đề nghị cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật gồm cả quản lý phát triển kiến trúc, bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc dân tộc Việt Nam; ý kiến khác lại cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ nên tập trung vào nội dung hành nghề kiến trúc.
“UBTVQH thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật như Tờ trình của Chính phủ điều chỉnh về 2 nhóm chính sách, bao gồm Quản lý kiến trúc và Hành nghề kiến trúc là phù hợp, đã bao quát được các chế định cần thiết đối với hoạt động kiến trúc, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng mục tiêu quản lý và hành nghề kiến trúc như yêu cầu của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đặt ra khi xây dựng Luật này.
Để tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mang nội hàm phát triển thể hiện trong chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, hợp tác quốc tế về kiến trúc, thi tuyển phương án kiến trúc, quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và hành nghề kiến trúc...”, ông Phan Xuân Dũng nêu trong báo cáo.
Về chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc (Điều 6) và Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam. Có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung quy định chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc và Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam.
UBTVQH xin tiếp thu và đã bổ sung quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, trong đó quy định rõ những hoạt động kiến trúc được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích để làm cơ sở thực hiện quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.
Về Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, UBTVQH thống nhất cho rằng, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ, do đó, không nhất thiết có quy định này trong dự thảo Luật.
Quy định về bản sắc văn hoá trong kiến trúc là cần thiết
Về quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc (Điều 5) và bảo tồn, khai thác công trình kiến trúc có giá trị nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa (Điều 13). Nhiều ĐBQH cho rằng, cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam cho phù hợp.
UBTVQH nhận thấy, việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc, giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể mô tả cụ thể các nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung cũng như bản sắc văn hóa của từng dân tộc nói riêng trong kiến trúc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú.
Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 5 quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc theo hướng:
Bổ sung một điều về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc bao gồm các đặc điểm, tính chất tiêu biểu và đặc trưng tạo nên một phong cách riêng của kiến trúc Việt Nam về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, nghệ thuật; thuần phong mỹ tục của các dân tộc của địa phương; kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng. Đồng thời, giao Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh có trách nhiệm quy định nội dung về yêu cầu bản sắc văn hóa dân tộc trong Quy chế quản lý kiến trúc để bảo đảm khả thi, phù hợp với địa phương do mình quản lý.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định về bảo tồn, giữ gìn, khuyến khích kế thừa, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc vào các quy định có liên quan trong dự thảo Luật, như nguyên tắc hoạt động và yêu cầu quản lý kiến trúc đô thị, nông thôn, Quy chế quản lý kiến trúc… Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc nhằm bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam đồng thời không làm hạn chế sự sáng tạo trong hành nghề kiến trúc của các kiến trúc sư (như các Điều 4, Điều 11, Điều 14….).
Bên cạnh đó, có ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung quy định về việc bảo tồn, phát huy giá trị công trình kiến trúc chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.
UBTVQH tán thành sự cần thiết bổ sung quy định về vấn đề này vì hiện nay đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, có ý nghĩa về kiến trúc, lịch sử, văn hóa… nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Vì thế, không ít công trình này đã và đang xuống cấp và bị xâm hại; việc tu bổ, phục hồi chưa phù hợp… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ sở pháp lý chưa thực sự đầy đủ. Vì vậy, để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của loại công trình này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lập Danh mục, xin ý kiến về Danh mục công trình kiến trúc có giá trị và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí đánh giá, phân cấp, phân loại công trình kiến trúc có giá trị; trình tự, thủ tục tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt danh mục công trình kiến trúc có giá trị tại Điều 13, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý, không chồng chéo với quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ngoài ra, một số vấn đề về Quy chế quản lý kiến trúc (Điều 14, Điều 15); Hội đồng tư vấn về kiến trúc (Điều 16); Chứng chỉ hành nghề kiến trúc (Chương III); Văn phòng kiến trúc sư (Điều 33) cũng nhận được nhiều ý kiến tranh luận trái chiều. Tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc UBTV QH cũng đã thông tin thêm về những vấn đề này.
Nhóm PV Quốc hội