Bộ trưởng bộ GT-VT nên có sự giải trình
Ông nghĩ sao về việc xử phạt người đi xe không chính chủ mà công an Hà Nội vừa thực hiện?
Việc sang tên đổi chủ phương tiện là nguyên tắc thế giới áp dụng từ lâu. Bất cứ tài sản nào cũng phải thay tên đổi chủ vì liên quan đến công tác quản lý nhà nước. Có điều từ lâu các cơ quan quản lý quên việc xử phạt hành vi không thay tên đổi chủ nên người dân thấy không cần thiết phải sang tên.
Nếu trường hợp chồng đi xe của vợ, hoặc vợ đi xe của chồng, lực lượng công an làm sao có thể chứng minh được xe chính chủ hay không chính chủ để phạt?
Trong thực tế, việc xác định trường hợp nào là mua xe nhưng không sang tên đổi chủ, trường hợp nào thì mượn xe cũng không hề đơn giản. Nhưng việc này phải xác định được rõ trước khi bắt lỗi không sang tên đổi chủ và áp dụng mức phạt. Người tham gia giao thông, điều khiển phương tiện thì phải đem đầy đủ giấy tờ sở hữu xe, đăng ký chính chủ đó là quy định.
ĐBQH Đỗ Văn Đương (TP.HCM).
Vậy trong trường hợp mượn xe thì sao?
Quyền mượn xe thì là quyền dân sự, nhưng vấn đề đó cũng cần phải cân nhắc xem.
Theo ông, bộ trưởng Bộ GT-VT có nên giải trình về vấn đề này khi dư luận rất quan tâm và có nhiều băn khoăn?
Theo tôi, nếu được thì bộ trưởng GT - VT nên đứng ra giải trình thì tốt hơn. Văn bản ban hành ra cần phải có "thời kỳ quá độ" để có thời gian chuẩn bị và thực hiện. Điều quan trọng phải tính toán đến quyền dân sự- quyền cho mượn, cho đi xe, chồng đi xe của vợ... Chẳng nhẽ, mỗi gia đình phải mua mấy chiếc xe trong khi điều kiện kinh tế eo hẹp, hơn nữa làm gì có chỗ mà để?!
Theo tôi, cần có quy định mở, không nên cứng nhắc quá.
Vi phạm "quyền dân sự"?
Quy định đã được đưa ra từ 2 năm rồi nhưng thời gian qua các cơ quan quản lý lơ là. Bẵng đi một thời gian lại muốn áp dụng ngay, gây khó cho người dân?
Không hẳn là gây khó cho người dân, mà ở đây cơ quan ban hành văn bản chưa lường hết được khó khăn sẽ xảy ra trong thực tiễn. Theo tôi, quy định như vậy là đúng nhưng cần phải phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc quy định người điều khiển phương tiện giao thông phải có giấy tờ chính chủ vi phạm quyền dân sự - quyền cho mượn xe, chồng đi xe của vợ...
Nhưng thưa ông, phí để sang tên đổi chủ quá đắt, không phù hợp với đa số người dân- xe ít tiền nhưng phí lại cao?
Đấy là quy định, phải là chính chủ, việc làm này nhằm quản lý về mặt nhà nước, quản lý tài sản. Theo tôi quy định là cần thiết nhưng quan trọng là cách làm. Mức phí sang tên đổi chủ quá cao thì phải tính, phải đảm bảo yếu tố lợi ích của người dân.
Liệu quy định này có vi phạm về thuế, thưa ông?
Không nên đồng nhất việc xử lý vi phạm xe không chính chủ với việc vi phạm thuế. Phạt để buộc lòng người dân phải tuân thủ quy định đó- phải sang tên đổi chủ. Điều đó nhằm phát hiện ra những gian lận. Việc đưa ra quy định này rõ ràng là mâu thuẫn với quy định trước đó là giảm phương tiện cá nhân?
Đúng là có mâu thuẫn! Không ai có thể cùng một lúc đi ra đường 2 chiếc xe máy được (có thể đi xe chính chủ, hoặc xe mượn). Cho nên quy định này sẽ không hạn chế được phương tiện cá nhân.
Xem ra tư duy của người quản lý như vậy là bất cập, thưa ông?
Theo tôi, khi ban hành quy định này ngành giao thông nhằm mục đích quản lý chặt chẽ sở hữu cá nhân một cách hợp pháp. Thứ hai là cũng để bảo đảm an ninh giao thông trật tự. Nhưng, như tôi đã nói, phải tính đến tính quy luật của các quan hệ xã hội, quyền dân sự của người dân. Phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân. Nói chung khi ban hành một chính sách nào cần phải tính đến yếu tố yên dân trước.
Xin cảm ơn ông!
Cảnh báo có thể "dễ phát sinh nạn mãi lộ" ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn ĐB TP. Hà Nội) cho biết: "Chúng ta đã ban hành được văn bản pháp luật nào là văn bản đó phải đi vào được cuộc sống. Tức là, đại đa số người dân chấp nhận theo tính hợp lý chứ không phải chấp nhận theo ý thích của người nào. Ở đây có việc quản lý việc mua bán xe và chuyển sang tên đổi chủ mà phải nộp thuế thì đương nhiên nhưng phải có giải pháp. Tuy nhiên, việc xử phạt người vi phạm quy định mua bán xe mà không sang tên đổi chủ theo Nghị định này không dựa trên những cơ sở rõ ràng thì dễ sinh ra nạn mãi lộ. Bởi dễ sinh ra vấn đề người vi phạm hối lộ CSGT để được coi là mượn xe mà không phải nộp phạt một khoản tiền lớn hơn trong chế tài". |
Giang- Phương (Ghi)