Cụ thể, trong email của ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) gửi tới khách hàng ngày 1/1/2019, đơn vị này cho biết chính sách trên nhằm tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017.
Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2019.
Thông tư số 26/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 có nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN ngày 30/6/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động thẻ ngân hàng.
Theo Thông tư này, bên cạnh việc không được rút tiền mặt quá 30 triệu đồng/ngày ở nước ngoài thì người Việt khi xuất cảnh cũng không được phép mang quá tiền mặt 15 triệu đồng và 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương.
Nếu mang số lượng tiền mặt trên mức quy định dưới đây phải khai báo Hải quan cửa khẩu (Theo quy định tại Thông tư 15/2011/TT-NHNN).
Trên thực tế, thủ tục đổi ngoại tệ tại các địa điểm hợp pháp theo quy định của NHNN cũng không đơn giản. Cụ thể, khách hàng cần chứng minh mình có nhu cầu đổi ngoại tệ vì lý do hợp pháp như học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, đi công tác, du lịch, thăm viếng họ hàng ở nước ngoài...
Mặc dù có nhu cầu hợp pháp thì ngân hàng cũng chỉ đổi ở mức 100 USD/1 người/1 ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày (Theo Điều 5, Thông tư 20/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép).
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quy định này không ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu giao dịch tiền tệ của người dân ở nước ngoài. Bởi theo khảo sát trong thời gian qua, khách hàng sử dụng thẻ tín dụng rút tiền ở nước ngoài rất ít do phí rút tiền cao và ngân hàng tính phí, lãi.
Hiện tại, mức phí thấp nhất cho một giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tín dụng là 4% tổng giá trị số tiền rút ra. Phí này chưa bao gồm 10% phí VAT kèm theo. Như vậy, mức phí tối thiểu khách hàng phải chi trả cho ngân hàng khi rút tiền mặt từ thẻ tín dụng là 4,4%/tổng giá trị số tiền rút ra.
Đây chưa phải là mức phí duy nhất khách hàng phải chi trả cho ngân hàng bởi vì ngay tại thời điểm rút tiền mặt từ thẻ tín dụng thì ngân hàng cũng bắt đầu tính lãi suất cho số tiền được rút ra. Lãi suất này thông thường rất cao từ 2% -3%/tháng. Có thể hiểu đơn giản là khách hàng đang “vay nóng” ngân hàng.
Như vậy, với một giao dịch rút tiền mặt từ thẻ tín dụng thì chủ thẻ phải chấp nhận chi trả tối thiểu mức phí từ 6,4% đến 7,4%/tổng giá trị số tiền đã rút. Ngoài ra, khi rút tiền mặt ở nước ngoài từ thẻ tín dụng thì bạn còn phải chi trả thêm phí rút tiền mặt ở nước ngoài và phí chuyển đổi ngoại tệ.
Vì những lý do trên, tuy thẻ tín dụng có tính năng rút tiền mặt, nhưng đa số người dùng đều hạn chế tối đa việc sử dụng tính năng này, nhất là rút tiền ở nước ngoài.