Sáng 4/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022”. Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng hệ thống luật pháp thiếu thống nhất, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về đầu tư.
Điểm nghẽn lớn của môi trường đầu tư
Tại hội thảo, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp muốn sự ổn định môi trường pháp lý để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Đối với các dự án đầu tư lớn, thực hiện trong thời gian dài, các nhà đầu tư luôn đòi hỏi tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý để quyết định liệu có đầu tư hay không. Rủi ro pháp lý cao đồng nghĩa với hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp kém thuận lợi.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế VCCI cho biết trong những năm gần đây, doanh nghiệp phản ánh khá nhiều về tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc trong các quy định liên quan đến đầu tư kinh doanh, tạo thành điểm nghẽn của môi trường đầu tư.
Nhà nước cũng đã có nhiều biện pháp khắc phục, thông qua các hoạt động rà soát, sửa đổi các quy định gây vướng. Tuy nhiên, các hoạt động này chỉ mang tính chất giải quyết tình huống, sửa chữa một vài quy định bất cập mà chưa xem xét một cách tổng thể hệ thống văn bản pháp luật.
Chia sẻ về thêm vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, năm 2022 là một năm đỉnh điểm của việc hoàn chỉnh, sửa đổi biên soạn lại hệ thống luật pháp của nước ta.
Việc quyết định chỉnh sửa, biên soạn lại hàng loạt các đạo luật quan trọng cho thấy lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nhìn thấy rõ sự bất cập, cản trở của hàng rào pháp lý đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng.
Trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, hiện có khoảng 12 luật tác động trực tiếp vào các hoạt động trong lĩnh vực này. Thế nhưng, các luật lại đưa ra những ý kiến xử lý không đồng nhất. Điều này dẫn đến các dự án, các doanh nghiệp và các cơ quan hành pháp thụ lý gặp khó khi không biết phải xử lý thế nào trong những trường hợp chồng chéo.
Do đó, ông Hiệp cho rằng trong lần rà soát, chỉnh sửa lại một loạt các luật quan trọng như hiện nay thì việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan đến cùng một vấn đề là rất quan trọng để tháo gỡ cho các doanh nghiệp cũng như việc xử lý cụ thể của các cơ quan thi hành pháp luật.
"Giải quyết được vấn đề này sẽ tháo gỡ cho các doanh nghiệp khỏi các ách tắc, chờ đợi mất thời gian của doanh nghiệp", ông Hiệp nêu rõ.
Ngoài ra, tính ổn định của hệ thống pháp luật cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới việc khuyến khích các dự án lớn yên tâm đầu tư. Mặt khác, ông Hiệp cho rằng trong hệ thống luật cần cố gắng cụ thể và chi tiết hoá để giảm bớt hệ thống nghị định, thông tư hướng dẫn.
Đẩy mạnh cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư
Theo TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, thực trạng văn bản pháp luật thiếu thống nhất, không phù hợp, không khả thi, khác biệt.
Việc này xảy ra phổ biến trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, tài nguyên đã tồn tại từ lâu, nhưng chậm được giải quyết. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý nhà nước về đầu tư.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại các luật chuyên ngành liên quan chưa có nhiều chuyển biến.
Thực tế, số lượng các điều kiện kinh doanh cắt bỏ rất ít hoặc chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít ý nghĩa, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Quá trình theo dõi việc thực thi cải cách ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng như điều kiện kinh doanh và cảm nhận của doanh nghiệp về hiệu quả cải cách cho thấy kết quả còn hạn chế. Hiện vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không cần thiết hoặc quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định hoặc thiếu cơ sở khoa học.
Bà Thảo nhấn mạnh những giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo môi trường chính sách an toàn cho doanh nghiệp cần được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các Bộ, ngành, địa phương và nỗ lực thực thi cần mạnh mẽ hơn.
Tiến trình cải cách môi trường kinh doanh đang đối mặt với nhiều lực cản vì chạm đến những vấn đề khó, mang tính liên ngành. Do đó, mỗi chính sách cần được đánh giá tác động nghiêm túc, khoa học thay vì chỉ mang tính hình thức, chiếu lệ.
Bà Thảo lo ngại môi trường kinh doanh thiếu hấp dẫn, không an toàn sẽ ảnh hưởng tới quá trình phục hồi kinh tế. Bởi vậy, doanh nghiệp cần sự cảm thông, chia sẻ và đồng hành của chính phủ thông qua thúc đẩy các nỗ lực cải cách, tháo gỡ rào cản đầu tư, kinh doanh.