Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 30/2020/TT-BYT quy định chi tiết và hướng dẫn Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn luật Bảo hiểm y tế.
Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT nhưng mã ký tự thể hiện mức hưởng ghi trên thẻ BHYT chưa theo đối tượng có mức hưởng cao nhất thì được chuyển đổi theo mức hưởng cao nhất khi có một trong các giấy tờ quy định tại các trường hợp dưới đây.
Trường hợp thứ nhất, giấy tờ xác định người tham gia BHYT thuộc đối tượng là người có công với cách mạng, trừ cựu chiến binh quy định tại trường hợp thứ hai dưới đây; thân nhân của người có công với cách mạng, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ.
Thực hiện theo quy định tại Điều 5 Thông tư 30/2019/TT-BLĐTBXH, cụ thể như sau:
Người có công với cách mạng: căn cứ quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc Quyết định giải quyết chế độ của Giám đốc sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Thân nhân của người có công với cách mạng, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ: căn cứ Quyết định giải quyết chế độ của Giám đốc sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; trường hợp không có quyết định giải quyết chế độ thì căn cứ vào danh sách chi trả chế độ đối với người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng.
Trường hợp thứ hai, giấy tờ xác định người tham gia BHYT thuộc đối tượng là cựu chiến binh:
Cựu chiến binh phục viên, xuất ngũ căn cứ một trong các giấy tờ sau đây:
Một là, quyết định phục viên, xuất ngũ (thôi việc).
Hai là, lý lịch cán bộ hoặc bản Trích yếu 63 đối với sĩ quan.
Ba là, lý lịch quân nhân.
Bốn là, thẻ quân nhân.
Năm là, phiếu quân nhân.
Sáu là, lý lịch đảng viên được lập từ trước ngày cựu chiến binh phục viên, xuất ngũ (thôi việc).
Bảy là, quyết định hưởng trợ cấp theo quy định tại một trong các văn bản sau đây:
+ Nghị định 500-NĐ/LB ngày 12/11/1958 của liên bộ Quốc phòng, bộ Tài chính, bộ Cứu tế Xã hội quy định thể lệ trợ cấp dài hạn cho những quân nhân tình nguyện được phục viên vì ốm yếu mà không có khả năng lao động.
+ Nghị định 111-NĐ ngày 22/6/1957 của bộ Quốc phòng quy định cụ thể những khoản trợ cấp cho quân nhân phục viên.
+ Quyết định 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với quân nhân, công nhân viên quốc phòng tham gia kháng chiến chống Pháp đã phục viên (giải ngũ, thôi việc) từ 31/12/1960 trở về trước.
+ Quyết định 290/2005/QĐ-TTg ngày 8/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với một số đối tượng trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước nhưng chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước.
+ Quyết định 188/2007/QĐ-TTg ngày 6/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 290/2005/QĐ-TTg.
+ Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương.
+ Quyết định 38/2010/QĐ-TTg ngày 6/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định 142/2008/QĐ-TTg.
+ Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 9/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Cựu chiến binh nghỉ hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng: căn cứ quyết định hưởng chế độ hưu trí hàng tháng hoặc Quyết định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Cựu chiến binh đã chuyển ngành căn cứ một trong các giấy tờ sau đây:
Một là, quyết định phục viên, xuất ngũ (thôi việc), chuyên ngành.
Hai là, lý lịch cán bộ hoặc bản Trích yếu 63 đối với sĩ quan.
Ba là, lý lịch quân nhân.
Bốn là, thẻ quân nhân.
Năm là, phiếu quân nhân.
Sáu là, lý lịch công nhân viên quốc phòng.
Bảy là, lý lịch đảng viên được lập từ trước ngày cựu chiến binh phục viên, xuất ngũ, chuyên ngành.
Trường hợp cựu chiến binh bị mất hồ sơ, giấy tờ:
Một là, cựu chiến binh bị mất hồ sơ, giấy tờ thể hiện là cựu chiến binh nhưng có một trong các giấy tờ sau đây:
+ Quyết định nhập ngũ.
+ Quyết định tuyển dụng.
+ Quyết định phong thăng quân hàm, nâng lương.
+ Quyết định điều động công tác, bổ nhiệm chức vụ; giao nhiệm vụ.
+ Giấy tờ khen thưởng thành tích trong kháng chiến, khen thưởng trong chiến đấu.
+ Văn bản xác nhận là cựu chiến binh của UBND cấp xã nơi đối tượng cư trú theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 hướng dẫn Pháp lệnh Cựu chiến binh (Áp dụng với đối tượng có giấy tờ, tài liệu được lập trước ngày 29/12/2006 trong đó có nội dung chứng minh là cựu chiến binh).
Hai là, cựu chiến binh nhập ngũ sau ngày 30/4/1975 có thời gian trực tiếp chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu nhưng bị mất hồ sơ, giấy tờ thể hiện là cựu chiến binh: Giấy xác nhận quá trình công tác của đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc do Thủ trưởng đơn vị nơi đối tượng đã công tác cấp theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 5/1/2012 của liên tịch bộ Quốc phòng, bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc làm căn cứ xác nhận cựu chiến binh.
Ba là, cựu chiến binh nhập ngũ sau ngày 30/4/1975 có thời gian trực tiếp chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu có hồ sơ, giấy tờ nhưng không ghi rõ thời gian, đơn vị, địa bàn xảy ra chiến sự: Bản trích lục giải mã đơn vị, thời gian, địa bàn xảy ra chiến sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc do Thủ trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cựu chiến binh cư trú cấp theo Hướng dẫn 3386/LC-CTC-CCS ngày 15/11/2012 của liên cục Tác chiến, cục Chính sách hướng dẫn thực hiện Quyết định 2084/QĐ-BBTM ngày 09/11/2012 của Tổng Tham mưu trưởng về việc ban hành Danh mục địa bàn, thời gian, đơn vị trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30/4/1975.
Trường hợp thứ ba, các đối tượng khác. Căn cứ vào giấy tờ chứng minh là đối tượng có quyền lợi hưởng cao hơn mức quyền lợi đang hưởng do cơ quan quản lý đối tượng cấp.
Ví dụ ông Nguyễn Văn A là quân nhân tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tại biên giới phía Bắc, xuất ngũ năm 1980, sau đó ông ký hợp đồng lao động với Công ty B và tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng người lao động (mức hưởng theo thẻ bảo hiểm y tế được cấp là 80%).
Sau khi ông A cung cấp quyết định xuất ngũ, được xác định là đối tượng cựu chiến binh. Do đó cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại thẻ bảo hiểm y tế, đổi mức hưởng của ông A từ mức hưởng 80% lên 100%, có áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán đối với một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy định của Bộ trưởng bộ Y tế.
Mức hưởng BHYT mới của các đối tượng quy định tại các trường hợp 1, 2, 3 được tính từ thời điểm thẻ bảo hiểm y tế mới có hiệu lực trên hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan BHXH.
Cơ quan BHXH có trách nhiệm thông báo đến người được chuyển đổi mức hưởng quyền lợi BHYT ngay khi mức hưởng mới có hiệu lực trên hệ thống công nghệ thông tin.
H.M