Quy định đặt máy chủ tại VN, bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng

Quy định đặt máy chủ tại VN, bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 7, 11/11/2017 06:49

Dự thảo luật An ninh mạng đang “đốt nóng” nhiều diễn đàn với khả năng Facebook, Google… phải rời khỏi Việt Nam. Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Minh Đức cho rằng, chính quy định này bảo vệ tốt hơn chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng và sẽ ngăn chặn được toàn bộ những thông tin xấu, độc hại.

Theo đó, Điều 34, dự thảo Luật quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh Quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam…”.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật này vào sáng ngày 23/11 tới.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Minh Đức, Ủy viên Thường trực ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội – cơ quan thẩm tra dự án Luật.

Xã hội - Quy định đặt máy chủ tại VN, bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng

ĐBQH Nguyễn Minh Đức trao đổi với PV báo Người Đưa Tin bên hành lang Quốc hội.

 

PV: Thưa ông, về quy định tại Điều 34 dự thảo Luật, những lo ngại của dư luận là có cơ sở không?

ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Hiện, dư luận xã hội đang có nhiều phản ứng khác nhau về dự thảo Luật này. Một phần, do người dân chưa hiểu biết sâu sắc về vấn đề an ninh mạng.

Thực tế, Google, Youtube, Facebook… đang kiếm bội tiền ở Việt Nam. Người dân lo ngại họ rời đi, nhưng vô hình trung chúng ta đang đóng tiền cho các trang mạng xã hội phát triển. Nếu như họ đặt máy chủ ở Việt Nam, có server riêng thì sẽ quản lý tốt hơn.

PV: Tức là ông ủng hộ quy định “thắt chặt” và dù những “gã khổng lồ” đi chăng nữa vào Việt Nam kinh doanh sẽ phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại?

ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Hiện nay, các thế lực phản động đã lợi dụng mạng xã hội để nói xấu Đảng, Nhà nước, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh tụ, xúc phạm lịch sử bằng những luận điệu xuyên tạc.

Chúng ta chưa có luật để quản lý chặt chẽ vấn đề này nên các quy định đang còn bị thả nổi. Luật An toàn thông tin mạng hiện nay chưa đủ sức để điều chỉnh tất cả các vấn đề đó.

Chính vì vậy, các thế lực thù địch đang lợi dụng dùng con bài chính trị và nhân quyền để làm cho Việt Nam chậm ra đời dự luật An ninh mạng. Trong thời gian này, các đối tượng vẫn có thể thu tiền của người dân khi dùng mạng xã hội. Mạng xã hội cũng đang quảng cáo không công cho đối tượng này.

Nếu chúng ta quản lý được máy chủ thì gần như người dân sẽ được hưởng các thông tin sạch, không còn những luồng thông tin bẩn như vậy. Do đó, cần cố gắng sớm ra được luật mới tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt vấn đề này.

PV: Ông có suy nghĩ thế nào trước ý kiến cho rằng, dự thảo luật An ninh mạng sẽ là rào cản cho nền kinh tế?

ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Tôi nghĩ, việc này không ảnh hưởng gì đến kinh tế Việt Nam bởi không thiếu kênh để chúng ta có thể truyền bá thông tin với xã hội.

Lâu nay, quan hệ ngoại giao, hợp tác thương mại… đều thông qua các kênh chính thống chứ không phải qua mạng xã hội. Có như vậy, thông tin mới được bảo mật an toàn.

Khi Luật này được thông qua sẽ có đội quân giống như biên phòng ở các trang mạng. Nếu kẻ xấu muốn vào hack, tung thông tin xấu, độc hại thì sẽ có bức tường lửa để chặn lại. Vì có máy chủ, chúng ta chủ động mã hóa các nguồn dữ liệu thông tin. Còn lâu nay, chúng ta dùng của họ nên họ thích là có thể mở một cổng, thông tin vào thoải mái.

Khi có mạng của mình, họ vẫn phải chấp nhận cuộc chơi. Thực tế, mạng xã hội cần mình chứ không hoàn toàn chỉ riêng mình cần họ. Mọi người có thể chưa hiểu hết các góc độ của vấn đề an toàn thông tin mạng nên cho rằng chặn như vậy sẽ ảnh hưởng, nhưng hoàn toàn không phải. Nhiều nước trên thế giới vẫn có thể tiến như vũ bão mà không phụ thuộc mạng xã hội, những “gã khổng lồ” Google, Youtube, Facebook...

PV: Như ông phân tích, chính những quy định này sẽ bảo vệ tốt hơn chủ quyền Quốc gia, dân tộc?

ĐBQH Nguyễn Minh Đức: Báo chí không thể chạy theo mạng xã hội mà phải định hướng thông tin chính thống. Báo chí cách mạng vẫn phát triển tốt và cần thông tin một cách nghiêm túc.

Các nhà báo đang là công dân Việt Nam, “ăn cây nào rào cây ấy”. Cần xem tổ tiên, bố mẹ mình, con cháu, anh em mình đang ở đâu và hưởng an bình từ đất nước nào, ai đang bảo vệ mình. Nếu chặn được các thông tin độc hại từ mạng xã hội thì chắc chắn báo chí không bị bão hòa.

Quan điểm của tôi, luật An ninh mạng sẽ bảo vệ tốt hơn chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng và sẽ ngăn chặn được toàn bộ những thông tin xấu, độc hại như đã nói ở trên. Việc này cũng sẽ giúp người dân đi đúng hướng thông tin, không bị mất định hướng thông tin với đất nước, với xã hội.

Đây mới là xin ý kiến lần đầu của Quốc hội và tất nhiên, còn nhiều vấn đề trong dự thảo luật An ninh mạng cần phải điều chỉnh cho phù hợp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.