BHXH hiểu sai quyết định của bộ Y tế
Ngày 29/11/2015, liên bộ Y tế - Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 37 quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/3/2016. Chiểu theo Thông tư liên tịch này, bộ Y tế ban hành định mức nhân lực và thời gian làm cơ sở xây dựng giá dịch vụ KCB tại Quyết định số 3959/QĐ-BYT ngày 22/9/2015.
Định mức khám bình quân/bác sĩ/ngày (8 giờ làm việc) được áp dụng cho từng hạng bệnh viện. Cụ thể, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I là 45 lượt khám/bác sĩ/ngày; bệnh viện hạng II, III là 35; bệnh viện hạng 4 là 33 lượt khám/bác sĩ/ngày. Quyết định cũng quy định rõ định mức khám bệnh chi tiết từng nội dung như: Nội soi tiêu hóa là 16 ca/ngày/bác sĩ; siêu âm doppler tim, mạch máu định mức 16 ca/ngày/bác sĩ; chụp X-quang KTS định mức 48 ca/ngày/bác sĩ…
Nắm bắt được Thông tư liên tịch của liên bộ Y tế - Tài chính, BHXH Việt Nam lại áp dụng định mức nêu trên để làm cơ sở kiểm soát chi phí và thanh toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB trên cả nước. Theo cách áp dụng này, BHXH Việt Nam đã đề nghị xuất toán hoặc tạm thời chưa thanh toán một số khoản kinh phí với lý do cơ sở khám chữa bệnh “vượt” định mức nêu trên, ngoài giờ hành chính...
Nhận được chủ trương từ cấp trên, BHXH TP.Hải Phòng và một số tỉnh, thành cũng ngay lập tức triển khai, áp dụng tại các cơ sở KCB. Việc này gây ra những bất cập không nhỏ.
Bệnh nhân bị mất quyền lợi
Với cách áp định mức theo Thông tư 37, BHXH Việt Nam đang “đẩy” các cơ sở KCB BHYT vào thế “khó”, dẫn đến việc người dân nhiều tỉnh thành hoang mang, lo lắng vì sẽ mất quyền lợi khi đi khám bệnh bằng BHYT.
Ông P.V.T (huyện Vĩnh Bảo, TP.Hải Phòng) chia sẻ: “Quy định 1 bác sĩ tuyến huyện chỉ được khám 35 người/ngày cho đối tượng BHYT như bây giờ thì sẽ thiệt cho người bệnh chúng tôi. Tôi đã hỏi cơ cở khám chữa bệnh, nếu tôi là người thứ 36 thì phải chờ hôm sau đến sớm, hoặc chấp nhận khám dịch vụ. Chuyển qua khám dịch vụ thì thẻ BHYT này chúng tôi mua còn có giá trị gì?”.
Về việc không chấp nhận thanh toán BHYT khi KCB ngoài giờ hành chính, chị H., công nhân tại khu công nghiệp Nomura TP.Hải Phòng bày tỏ bức xúc: “Đa số công nhân đi làm cả ngày, thời gian nghỉ ngơi chỉ có buổi tối. Trong tuần tôi bị bệnh, muốn khám xem bệnh tình thế nào thì phải đợi đến thứ 7, chủ nhật mới được khám BHYT. Chuyện lạ thật!”.
Đối với việc không thanh toán BHYT khi cơ sở KCB thực hiện các kỹ thuật tuyến trên, một số người bệnh cho biết, không lẽ tuyến huyện làm được, đã được cấp phép, BHYT lại cứ bắt chúng tôi phải lên tuyến tỉnh. “Chính sách này không những đi ngược lại sự phát triển của ngành y mà còn làm khổ, làm nghèo người bệnh”, một người dân bày tỏ.
Theo đại diện ngành y tế TP.Hải Phòng, đến thời điểm hiện tại, do BHXH TP.Hải Phòng áp dụng chính sách trên nên rất nhiều cơ sở KCB không được thanh toán phần khám vượt định mức nói trên, cơ sở KCB không được thanh toán nhiều nhất lên đến gần 20 tỷ đồng.
Lã Tiến – Nguyễn Dịu – Nguyễn Huệ