Tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ThS. Ngô Thị Hồng Ánh - Khoa Luật Kinh tế - Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Đất đai 2013 kkhông giải thích khái niệm hạn mức sử dụng đất, và Dự thảo Luật Đất đai năm 2023, vẫn chưa có giải thích khái niệm hạn mức sử dụng đất.
Bà Ánh đặt vấn đề tại Khoản 3 Điều 14 quy định về quyền của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu về đất đai được “Quy định hạn mức sử dụng đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở, hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp”.
Theo quy định tại Điều 171 về hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất, so với Luật Đất đai 2013 quy định không quá 10 lần hạn mức giao đất, tức được mở rộng hơn so với Luật Đất đai 2013 là 5 lần, còn đối với hạn mức giao đất vẫn giữ nguyên.
Bà Ánh cho biết, hiện nay, có một số ý kiến đề xuất bỏ hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, có quan điểm còn cho rằng nên bỏ quy định về hạn mức sử dụng đất, có quan điểm cho rằng cần quy định hạn mức sử dụng đất, đặc biệt là đất nông nghiệp.
Tuy nhiên, theo bà Ánh ý kiến cho rằng cần quy định hạn mức để đảm bảo chính sách người cày có ruộng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, Nghị quyết 18 cũng không đặt ra vấn đề mở rộng hạn mức giao đất mà chỉ mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương.
“Việc quy định về hạn mức trở thành điểm nghẽn, cản trở quá trình hiện đại hóa, phát triển nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay. Do vậy, cần thiết phân biệt rõ tích tụ và tập trung đất đai, việc tập trung đất để nông dân có điều kiện về vốn, kinh nghiệm sản xuất, áp dụng khoa học công nghệ thì sẽ thúc đẩy, khuyến khích nông dân đầu tư, nhằm phát triển nền nông nghiệp hiện đại”, đại diện Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.
Ngoài ra, Dự thảo Luật Đất đai quy định còn về thời hạn sử dụng đất theo hình thức sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, chủ thể sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất và thậm chí theo thời hạn thực hiện dự án đầu tư mà có hai loại đất sử dụng ổn định lâu dài và đất sử dụng có thời hạn.
Bà Ánh lấy ví dụ trường hợp dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất và đất xây dựng công trình sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, các công trình sự nghiệp khác và các công trình công cộng có mục đích kinh doanh thì thời hạn không quá 70 năm.
Bên cạnh đó, bà Ánh cho rằng, Luật Đất đai ban hành là để thực hiện việc quản lý Nhà nước về đất đai, mặt khác để chủ thể sử dụng đất thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định.
Tuy nhiên, quy định Dự thảo Luật Đất đai hiện nay vẫn gây khó khăn cho người sử dụng đất, ở chỗ, quy định vẫn từ phía Nhà nước áp đặt quyền và nghĩa vụ cho người sử dụng từng loại đất. Điều này rất khó khăn cho người sử dụng đất thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Từ đó, ThS. Ánh đề xuất để thuận lợi cho người sử dụng đất, nên quy định quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể sử dụng đất theo từng loại đất cần quy định thời hạn chung cho mọi chủ thể sử dụng đất, mọi loại đất và quy định thời hạn sử dụng đất không theo dự án đầu tư và thống nhất theo cách phân loại các loại đất được quy định tại Điều 10 Dự thảo Luật Đất đai.
Thậm chí hiện nay, nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất hỗn hợp nhiều loại đất trong cùng một dự án dẫn đến vướng mắc giữa quy định Luật Đất đai với Luật Đầu tư khi triển khai, thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất thì việc phân loại đất quá chi tiết, thêm nhiều điều kiện về hình thức sử dụng đất, hạn mức sử dụng đất, chủ thể sử dụng đất chỉ làm cho quy định Luật Đất đai kém hấp dẫn, gây khó khăn phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tạo cơ hội cho tham nhũng, tiêu cực.
Bà Ánh lấy ví dụ quy định đối với 07 loại chủ thể sử dụng đất được quy định tại Điều 5 Dự thảo Luật Đất đai, đối với chủ thể có quyền và nghĩa vụ sử dụng các loại đất giống nhau có thể gom chung lại để quy định.
Điều đó thuận lợi cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết những vấn đề về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích, chuyển nhượng, công nhận quyền sử dụng đất… và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định Luật Đất đai.
Lý do là bởi đối tượng điều chỉnh của Luật luôn là tổ chức, cá nhân, chứ không phải diện tích đất theo từng loại đất. Việc phân loại đất là cần thiết và điều đó giúp ích cho cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai thực hiện trách nhiệm quản lý các loại đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo ngành, lĩnh vực, địa phương đảm bảo sử dụng có hiệu quả.
Đặc biệt, đối với hạn mức sử dụng đất nông nghiệp bằng chính sách thuế sử dụng đất, từ đó bà Ánh gợi ý dự thảo Luật Đất đai nên quy định mở rộng đối với vấn đề hạn mức sử dụng đất nói chung, hạn mức sử dụng đất nông nghiệp và đất ở nói riêng, cùng với việc thay đổi cách tính thuế, mức thuế suất nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách thuế để nhằm đồng bộ hóa hệ thống pháp luật đất đai với pháp luật có liên quan để nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả.
Xem thêm: Đề nghị công nhận đất không giấy tờ sử dụng trước 2014
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa bao quát hết thực tiễn đời sống
Cần đặc biệt cẩn trọng khi quy định về tái định cư trong Luật Đất đai (Sửa đổi)