Như thông tin đã đưa, việc quy định định mức khám chữa bệnh, không chi trả BHYT cho bệnh nhân khám bệnh ngoài giờ hành chính… là những bất cập trong chế độ BHYT mới của BHXH khiến người dân ở một số tỉnh thành đang hoang mang. Còn những người trong ngành, họ có những "trăn trở" gì về vấn đề này?
Ngành y tế địa phương hoang mang
Một lãnh đạo cơ sở KCB TP.Hải Phòng chia sẻ, số lượng bác sĩ thì có hạn còn số lượng bệnh nhân là vô hạn. Bây giờ căn ke khám đủ số lượng bệnh nhân quy định thì bên BHXH mới thanh toán BHYT. Số bệnh nhân vượt quá số lượng quy định đến KCB tại bệnh viện không thể đuổi họ về được. Phải tìm biện pháp khác để giải quyết việc này. Như thế rất không đảm bảo quyền lợi cho người bệnh có BHYT.
“Có những trường hợp bệnh nhân nằm viện theo diện BHXH, không phải lúc nào người ta cũng ở giường bệnh. Người ta có thể đi ra ngoài vận động, đi vệ sinh, mua đồ… Người bên BHXH đến kiểm tra đột xuất những lúc đó và lập biên bản bệnh nhân không nằm viện, yêu cầu xuất toán, không chi trả BHYT cho người bệnh đó nữa. Như vậy rất thiệt cho bệnh nhân. Bệnh viện cũng lấy đâu ra tiền để bù vào khoản đó, để chi trả cho bệnh nhân?”, lãnh đạo này bức xúc nói.
Một bác sĩ ở cơ sở KCB TP.Hải Phòng cho biết, ngày cao điểm có hơn 300 bệnh nhân đến khám và điều trị tại các khoa của bệnh viện, trong đó khoa X-quang KTS có 2 bác sĩ phải khám cho khoảng 120 người. “Nếu Bảo hiểm xã hội áp dụng định mức khám chữa bệnh theo Thông tư 37 thì một bác sĩ chỉ được khám 48 ca/ngày, còn lại hơn 20 bệnh nhân thì chẳng lẽ bệnh viện đuổi về?”, bác sĩ hài hước nói.
Không chỉ các lãnh đạo, bác sĩ cơ sở y tế, một số lãnh đạo về hưu cũng tỏ ý khó hiểu đối với BHXH khi áp dụng định mức nêu trên của bộ Y tế để kiểm soát chi phí và thanh toán chi phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB trên cả nước.
“Áp dụng định mức khám chữa bệnh BHYT trên đầu bác sĩ, khống chế cả chẩn đoán cận lâm sàng… Tôi thấy Đảng, Nhà nước chủ trương “Toàn dân sử dụng bảo hiểm y tế” thì những quy định như trên đang đi ngược”, một vị lãnh đạo về hưu chia sẻ.
Theo đại diện ngành y tế TP.Hải Phòng, đến thời điểm hiện tại, do BHXH TP.Hải Phòng áp dụng chính sách trên nên rất nhiều cơ sở KCB không được thanh toán phần khám vượt định mức nói trên, cơ sở KCB không được thanh toán nhiều nhất lên đến gần 20 tỷ đồng.
Vẫn theo đại diện ngành y tế TP.Hải Phòng, từ bất cập trên, nhiều cơ sở KCB không còn nguồn lực kinh tế để mua vật tư, tiếp tục đáp ứng nhu cầu KCB BHYT.
“Nếu BHXH cứ nhất nhất áp dụng chính sách trên là đi ngược với chính sách BHXH đang được người dân hưởng ứng và tạo ra nguy cơ phá vỡ quỹ nếu hết định mức, tuyến dưới cứ đẩy bệnh nhân lên tuyến trên”, vị lãnh đạo này chia sẻ.
Bộ Y tế lên tiếng
Theo một lãnh đạo sở Y tế, ngày 17/3, bộ Y tế đã có Công văn số 1294/BYT-KH-TC gửi BHXH Việt Nam lên tiếng về sự bất cập trên. Nội dung của công văn này nêu rõ: “Định mức ban hành kèm theo quyết định là định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xây dựng và ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”.
Cũng theo vị lãnh đạo này, ngoài khẳng định định mức KCB là cơ sở ban hành giá dịch vụ KCB, Công văn số 1294 nêu tiếp những bất cập tại ngành y tế ở một số đại phương.
Công văn nêu: “Theo phản ánh của một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và sở Y tế một số tỉnh, thành phố: Vừa qua, cơ quan BHXH đã kiểm tra thực tế và đề nghị xuất toán hoặc tạm thời chưa thanh toán một số khoản kinh phí nếu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi triển khai dịch vụ không đạt định mức ban hành tại các Quyết định ban hành định mức nêu trên. Ví dụ: Số lượng bệnh nhân trên 1 lần khám/ngày vượt mức 45 lượt khám bệnh; định mức thuốc, vật tư tiêu hao thấp hơn hoặc không có trong định mức xây dựng giá dịch vụ; thời gian hoặc số lượng cán bộ tham gia thực hiện dịch vụ thấp hơn định mức ban hành…”
Trên cơ sở đó, qua Công văn 1294, bộ Y tế khẳng định: “Việc cơ quan BHXH các tỉnh/thành phố sử dụng định mức tại các quyết định của bộ Y tế để kiểm soát chi phí và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho các cơ sở KCB là chưa đúng quy định về thanh toán chi phí KCB theo luật BHYT và Thông tư liên tịch số 37”.
“Vì vậy, bộ Y tế đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho các đơn vị theo mức giá quy định tại Thông tư liên tịch số 37 hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt”, bộ Y tế đề nghị.
Ngành bảo hiểm nói gì?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Ngọc Toan - Giám đốc BHXH Hải Phòng cho biết, sở dĩ ngành BHXH áp dụng định mức nói trên là nhằm chống việc lợi dụng chính sách BHYT tại cơ sở KCB, thêm nữa đảm bảo cho người bệnh được khám, chữa bệnh có chất lượng.
“Ông cứ nhìn, sờ nắn qua là xong một người thì thiệt cho cả người bệnh lẫn quỹ bảo hiểm”, ông Toan dẫn chứng.
Tuy nhiên, về định mức hạn hẹp nói trên, ông Toan cũng thừa nhận là có bất cập cho cả người tham gia bảo hiểm và cơ sở KCB. Theo đó, ông Toan cho biết thêm, tại buổi trao đổi với sở Y tế TP.Hải Phòng, BHXH TP.Hải Phòng đã đề xuất cho cơ sở KCB tăng tối đa 20% định mức theo Thông tư 37, nhưng chưa đạt được sự thống nhất giữa hai bên.
“Không đạt được sự thống nhất, chúng tôi và phía sở Y tế thành phố sẽ có văn bản gửi BHXH Việt Nam và bộ Y tế để có phương án phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan”, ông Toan khẳng định.
Một số nguyên là lãnh đạo, cán bộ ngành BHXH cho rằng, để đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như đảm bảo hoạt động KCB cho các cơ sở y tế, ngành BHXH nên tìm ra những cơ chế phù hợp để quản lý hoạt động KCB BHYT chứ không phải đưa ra định mức “khoán”.
Lã Tiến – Nguyễn Dịu – Nguyễn Huệ