Quy định tiệc cưới không quá 300 người có khả thi?

Quy định tiệc cưới không quá 300 người có khả thi?

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Dự thảo của ban thường vụ Thành ủy Hà Nội quy định khách mời trong lễ cưới không quá 300 người, không tổ chức nhiều ngày và ở những nơi xa hoa đang được đông đảo người Hà Nội quan tâm đặc biệt.

Mới chỉ là dự thảo

Ngày 28/9, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đưa ra dự thảo Chỉ thị về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong địa bàn thành phố. Theo đó, quy định mới khách mời dự tiệc đám cưới của cán bộ viên chức sẽ không được quá 300 người, tương đương với 50 mâm cỗ, không tổ chức ở khách sạn 5 sao và các khu du lịch cao cấp.

Ngoài ra, dự thảo còn đề cập tới việc không tổ chức đám cưới trong nhiều ngày, nhiều lần, nếu hai gia đình cùng tổ chức ở một địa điểm thì không quá 600 khách mời.

Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị trong địa bàn thành phố thực hiện tốt các nhiệm vụ như đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong điều kiện mới, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và mặt bằng chung của người dân.

Áp dụng từ đối tượng cán bộ, đảng viên, viên chức rồi từ đó sẽ triển khai rộng rãi trong cộng đồng.

Nhịp sống - Quy định tiệc cưới không quá 300 người có khả thi?

Quy định đám cưới cho cán bộ viên chức không mời quá 300 người vẫn gây nhiều tranh cãi

Theo ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thì những năm qua việc triển khai nếp sống văn minh mới, đặc biệt trong việc tổ chức tiệc cưới hỏi ở địa bàn thành phố đã có nhiều tiến triển đáng kể theo đúng tinh thần tiết kiệm, ý nghĩa.

Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận đảng viên, cán bộ đi ngược lại với chủ trương chung, tổ chức các tiệc cưới xa hoa, phô trương, mang tính thương mại hóa đi kèm với những mục đích vụ lợi, vừa gây tốn kém về tiền bạc và thời gian cũng như ảnh hưởng tới nhìn nhận của dân chúng về cán bộ, đảng viên.

Cũng trong buổi thảo luận, bên cạnh việc tán thành ý nghĩa thiết thực của chỉ thị, cũng có không ít ý kiến trái chiều của các đại biểu. Trước đây, quận Hà Đông cũng đã từng đưa ra quy định tổ chức khách mời trong đám cưới không quá 40 mâm cỗ nhưng không hiệu quả.

Trong mỗi đám cưới, hội Cựu chiến binh thường cho người đến giám sát khách mời và số mâm gây ảnh hưởng tới không khí vui chung của gia chủ tạo nên phản ứng ngược với bà con. Hiện tại, dự thảo đưa ra quy định hạn chế trên địa bàn thành phố Hà Nội là 50 mâm cỗ tuy có hơn quy định của quận Hà Đông nhưng cũng không đáng kể.

Cho rằng việc tổ chức tiệc cưới ở những nơi tốn kém như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp vừa xa hoa, phô trương và không phù hợp với mặt bằng chung của người dân cũng như thu nhập của viên chức cũng được các đại biểu đặc biệt quan tâm và tán thành.

Ngoài ra, vẫn còn các ý kiến xung quanh chế tài xử phạt. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một quy định và khung xử phạt hợp lý và mang tính răn đe cho những người cố ý vi phạm.

Dự thảo vẫn chưa tính hết các khả năng phát sinh trong mỗi đám cưới như khách mời phía các gia đình thông gia, đơn vị giám sát tổ chức...

Tính khả thi đến đâu hay chỉ là bình mới rượu cũ?

Xuất phát từ quan niệm mâm cao cỗ đầy, đời người chỉ tổ chức có một lần nên người Việt khi tổ chức đám cưới cho con cháu thường có tâm lý tổ chức to và hoành tráng để nở mày nở mặt với xung quanh.

Trong những năm vừa qua, theo tinh thần chỉ thị mới của Đảng và Nhà nước, các nghi lễ và thủ tục cưới hỏi đã được tiết giản tối đa, việc tổ chức đám cưới không còn nặng nề và áp lực với các gia đình.

Tuy nhiên, do có điều kiện kinh tế lại hạn chế về địa điểm tổ chức, các gia đình thường có lựa chọn hữu hiệu hơn khi tổ chức ở các nhà hàng, khách sạn, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Khi những thông tin đầu tiên về dự thảo quy định đám cưới không quá 300 người, tương đương 50 mâm cỗ và không tổ chức dài ngày, nhiều lần, không tổ chức ở những nơi như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp đã khiến dư luận bàn tán xôn xao. Nhóm phóng viên Người đưa tin đã nhanh chóng thu nhận những luồng phản hồi của người dân sớm nhất.

Theo anh Kiên, người dân sinh sống ở quận Đống Đa cho biết, hiện tại vợ chồng anh có con trai đang làm cán bộ Nhà nước, đang chuẩn bị lập gia đình. Nếu chỉ tính khách mời của con anh bao gồm cơ quan và bạn bè đã vượt quá nửa con số cho phép (150 khách- PV). Cộng thêm bạn bè thân quen của hai vợ chồng ít nhất cũng phải lên tới hơn 100 người.

Như vậy, họ hàng chỉ còn được phép mời 50 người? Tính toán như vậy không biết phải mời ai, bỏ ai để khỏi mất lòng?.

Cũng đồng ý kiến như anh Kiên, chị Hòa ở quận Thanh Xuân ở trong tâm lý lo lắng khi chia sẻ với phóng viên. Gia đình nhà thông gia làm ăn kinh tế không bị hạn chế theo quy định.

Đám rước dâu về, họ nhà gái cũng đòi đến 20 mâm, như vậy thì cả gia đình chỉ được mời 30 mâm cỗ. 30 mâm cỗ tương đương với chưa đầy 200 khách mời, gia đình chị cũng đau đầu không biết mời ai và bỏ ai. Mấy chục năm đi làm Nhà nước, vợ chồng anh có mối quan hệ cũng tương đối, tính thêm phần bà con hàng xóm, họ hàng thân thích,… cũng không thể gói gọn trong con số 200.

Hai vợ chồng đều là đảng viên, khó khăn thử thách cũng đã từng trải nhiều nhưng chưa bao giờ gặp phải bài toán đau đầu như vậy khi quyết định làm đám cưới cho con trai vào cuối năm nay.

Quy định về số mâm cỗ trong 1 đám cưới nếu tính ở khía cạnh tiết kiệm, ý nghĩa hoàn toàn tích cực, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế chắc chắn gặp không ít khó khăn. Việc triển khai trước đó ở quận Hà Đông đã cho thấy những hạn chế mà quy định chưa tính tới.

Việc xuất hiện một "ban kiểm tra, giám sát" trong mâm cỗ hỉ của gia đình cũng đã ảnh hưởng tới không khí tiệc cưới. "Những khách mời phát sinh ngoài quy định chẳng nhẽ không cho vào dự tiệc?" - không ít người dân đã phải bức xúc nói như vậy.

Ngoài ra, chế tài xử lý như thế nào cũng khiến người dân tò mò. Quy định áp dụng từ đối tượng cán bộ, đảng viên, viên chức rồi phổ biến rộng rãi ra cộng đồng. Nhưng với những cá nhân cố ý vi phạm, khung phạt chỉ ở cảnh cáo vi phạm hành chính, phạt tiền chung chung hay xử phạt nặng để làm gương? Hiệu quả của việc xử phạt được đến đâu vẫn còn là ẩn số.

Về vấn đề không tổ chức nhiều lần, nhiều ngày và tổ chức ở những nơi mang tính xa hoa như khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp cũng được đông đảo người dân tán thành vì cho rằng chi phí để tổ chức tiệc cưới ở những nơi này là hoàn toàn không phù hợp với mức thu nhập của cán bộ, đảng viên ở thời điểm hiện tại.

Nhưng nếu chỉ nhìn vào hình thức của tiệc cưới, địa điểm tổ chức ở một nơi ít chi phí hơn thì có thể đánh giá ngược lại mức thu nhập của gia chủ hay không? Hay chỉ là "bình mới rượu cũ" khi chi phí cho một bàn tiệc được đội lên nhiều lần và số tiền "phong bì" trong mỗi đám cưới không hề thay đổi mà còn tăng?.

Quy định cứng nhắc, khó kiểm tra

Thực tế hiện nay, nhiều đám cưới của các cán bộ viên chức hay con của một số công chức tổ chức đám cưới linh đình với nhiều quan khánh lớn tham dự. Tuy nhiên, cũng có những gia đình thuộc diện khó khăn, nhưng khi cưới vợ cho con cái cũng gắng đầu tư năm, bảy chục mâm, chẳng chịu thua kém ai. Rồi sau đó, họ lại nai lưng ra trả nợ hàng năm trời chưa hết. "Trước đây trong hội nghị của Ban Tuyên giáo Trung ương đã đề cập rất nhiều đến việc rườm rà trong tổ chức đám cưới, đám ma và tôi cũng đã ý kiến về vấn đề này. Tuy nhiên, cái khó là đám cưới còn tùy thuộc vào phong tục tập quán, mối quan hệ xã hội của mỗi người. Và rằng, ép người ta vào một khung quy định như vậy có thực sự hợp lý hay sẽ phát sinh mâu thuẫn xã hội.

Cưới xin là chuyện hệ trọng của đời người, cần tổ chức sao lịch sự, ấm cúng để lại ấn tượng tốt đẹp cho cô dâu chú rể cũng như hai họ và những bạn bè thân thiết. Tùy theo hoàn cảnh cụ thể, nên tổ chức sao cho phù hợp. Không phải là đám cưới to tát, sang trọng mới đem lại hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên, một số gia đình có điều kiện, cán bộ viên chức có nhiều mối quan hệ nên muốn tổ chức đám cưới trang trọng cũng là điều dễ hiểu.

GS Lê Quý Đức đưa ra một vấn đề thực tế, tại sao lại là quy định 300 người, nếu như 301 người hay 302 người đến dự thì có được không. Vậy ai sẽ là người kiểm tra và xử phạt nếu phát hiện sai nguyên tắc tổ chức đám cưới trong dự thảo? Như vậy, xét cho cùng, dự thảo đưa ra chưa thực sự cụ thể và khó thực hiện”. (GS Lê Quý Đức, Viện trưởng Viện Văn hóa phát triển)

Việc làm nên áp dụng

Ở một góc nhìn khác, GS Ngô Đức Thịnh (ảnh bên), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho rằng, vấn đề cốt lõi là tư tưởng suy nghĩ của con người. Họ vẫn cố tổ chức đám cưới linh đình cho "đẹp mặt", cho hoành tráng mà dần quên đi giá trị văn hóa truyền thống. Do vậy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đưa ra dự thảo quy định khách mời trong lễ cưới không quá 300 người, không tổ chức ở khách sạn 5 sao và không tổ chức dài ngày cũng là việc nên áp dụng. "Việc tổ chức cưới phải phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa không nên phô trương hình thức, rườm rà mà vẫn giữ được sự thiêng liêng, nét đẹp văn hóa trong đám cưới", (GS Ngô Đức Thịnh bày tỏ).

Đỗ Huê - Cao Tuân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.